Công dân... lạm quyền

(PLO) - Thưa các bạn, lại thêm một vụ án xứng đáng được đi vào “lịch sử tố tụng” và pháp điển (từ điển pháp luật) Việt Nam. Đó là vụ án vừa xảy ra ở tỉnh Hải Dương. Không chức tước hay địa vị trong công ty, thế nhưng anh Phạm Văn Tình bỗng dưng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Chuyện thật như đùa.

Thứ nhất, theo cáo trạng của VKSND huyện Nam Sách (Hải Dương) quy kết, các ông Phạm Văn Cơ, Phạm Văn Tình, Phạm Hải Ninh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đội kiểm tra liên ngành về việc kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển bơm hút cát sỏi lòng sông năm 2010 trên địa bàn huyện Kinh Môn đã thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có hành động, lời nói yêu cầu ông Nguyễn Đức Diệp phải miễn cưỡng nộp phạt số tiền 5 triệu đồng không có thủ tục theo quy định(!). Tuy nhiên, trước thời gian theo quy kết này, ông Phạm Văn Tình đã được nghỉ công tác tại công ty ông làm việc để đi điều trị dài ngày bệnh động kinh tái phát, có đầy đủ hồ sơ điều trị tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội và bệnh án rất rõ ràng. 

Ông Phạm Văn Tình không phải là thành viên của Đội kiểm tra liên ngành. Là công dân thì “quyền” đâu ra mà “lạm”?. Hình như Cơ quan điều tra khởi tố, Viện kiểm sát truy tố nhưng chưa đọc luật? Thứ hai, theo lời khai gần nhất cũng như là trả lời báo chí của bị hại, ông Cơ, ông Ninh thì ông Tình không liên quan đối với vụ việc, không giống như nhận định của Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát. Thứ ba, tại sao ông Cơ là một viên chức nhà nước, thành viên Đội liên ngành lại phải đi hỏi ông Tình, một người dân thường về việc xử phạt vi phạm như thế nào?. Không thể chỉ dựa vào lời khai ban đầu của các đối tượng để kết luận một người là có tội. 

Hình như các cơ quan tố tụng ở Nam Sách không thèm quan tâm đến chứng cứ gỡ tội, nguyên tắc khách quan toàn diện và đầy đủ trong tố tụng hình sự?

Ngày 28/3/2011, Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đổi sang tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và lần gần đây nhất, ngày 11/12/2015 có quyết định thay đổi sang tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”?.

Chưa bao giờ Cơ quan điều tra thể hiện sự lúng túng trong việc xác định tội danh như Công an huyện Nam Sách. Không hiểu người ta “làm án” kiểu này để làm gì?. Vì “thi đua” hay cẩu thả “làm cho xong việc”?.

Hơn bao giờ hết, những người làm công tác tố tụng phải biết nhìn thẳng vào sự thật, biết lắng nghe, ham học hỏi, dũng cảm khi thấy mình sai, nhận lỗi khi làm sai. Đó là đạo đức.

Đọc thêm