Công lý muộn cho kỳ án 14 lần xét xử

 Vụ việc này Báo PLVN từng đăng tải: 16 năm, với 14 bản án, bị đơn trong vụ kiện đã phải lao đao vì vòng quay chóng mặt của tố tụng để cuối cùng trong phiên tòa mới đây, công lý đã đến dẫu muộn mằn.

Vụ việc này Báo PLVN từng đăng tải: 16 năm, với 14 bản án, bị đơn trong vụ kiện đã phải lao đao vì vòng quay chóng mặt của tố tụng để cuối cùng trong phiên tòa mới đây, công lý đã đến dẫu muộn mằn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiếp tục hủy án vì điều tra không kỹ

Cụ Trương Gia Sứng (chết năm 1952) có hai vợ. Vợ cả là cụ Kim Thị Chính (chết năm 1989), có một con chung là bà Trương Thị Bản. Vợ hai là cụ Nguyễn Thị Xuyến (chết năm 1965) có hai người con chung là ông Trương Gia Hải và bà Trương Thị Nhân. Cụ Sứng, cụ Xuyến chết đều không để lại di chúc. Năm 1995 bà Bản kiện ông Hải đòi chia di sản là ngôi nhà ngói 5 gian  gắn liền với quyền sử dụng đất hơn 415 m2 tại xóm Sở, Mai Dịch, Hà Nội.

Qua nhiều lần xét xử, đến tháng 8/2001 TANDTP Hà Nội đã chia cho ông Hải mảnh đất nói trên, ông Hải đã bán cho một người khác với giá 250 triệu, hợp đồng mua bán được UBND phường Mai Dịch xác nhận.

Nhưng về sau này, vụ việc lại đi theo một hướng khác khi Tòa án tiếp tục thay đổi phán quyết chia cho bà Bản 83m2 trong số đất nói trên. Không đồng tình với cách chia này, quyết định giám đốc thẩm đã quyết định hủy án sơ, phúc thẩm vì cho rằng chưa đủ căn cứ vững chắc xác định nhà đất có tranh chấp là di sản của cụ Sứng.

Ngoài ra quyết định giám đốc thẩm còn yêu cầu xác minh tài sản là căn nhà cụ Sứng đã sống cùng cụ Chính ở Hà Đông có phải là của cụ Sứng không? Việc án sơ, phúc thẩm cho rằng ông Hải chuyển nhượng đất cho ông Hà khi án đã có hiệu lực là biểu hiện gian dối là không có cơ sở.

Không thể “tay không đi kiện”

Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, phía bà Bản không đưa ra được bất cứ chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Còn Tòa án sau khi xác minh theo yêu cầu của Quyết định giám đốc thẩm đã công bố các công văn của UBND Tp. Hà Nội, của UBND phường Mai Dịch, của Phòng địa chính nhà đất và đô thị, của UBND quận Cầu Giấy…đều có nội dung thửa đất tranh chấp trên từ năm 1960 đến năm 1986 chủ sở hữu, sử dụng là cụ Nguyễn Thị Xuyến; từ năm 1986 đến tháng 8/2001 chủ sử dụng là ông Hải, sau đó ông Hải chuyển nhượng cho ông Hà.

Cạnh đó, phía bị đơn là ông Trương Gia Hải cũng xuất trình nhiều chứng cứ quan trọng như số địa bạ, sổ hộ khẩu, xác nhận của các cán bộ có thẩm quyền từ thời cải cách ruộng đất và các đơn xác nhận của UBND phường.

Về điều này, TAND TP. Hà Nội nhận định: các tài liệu của phía bị đơn cung cấp có tính pháp lý, phù hợp với các tài liệu lưu trữ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phù hợp với ý kiến của các nhân chứng và phù hợp pháp luật trong mỗi giai đoạn lịch sử; trong khi nguyên đơn không có chứng cứ gì ngoài một vài lời khai đã bị bác bỏ. Vì  những lý do nêu trên, TANDTP. Hà Nội đã bác yêu cầu chia thừa kế của bà Bản đối với ông Trương Gia Hải. Đây là kết cục được coi là tất yếu tạm khép lại 16 năm mòn mỏi chờ công lý của bị đơn. Nhưng cũng khốn khổ thay, từ khi hầu kiện, gia đình ông Hải trở nên kiệt quệ, nhà phải ở thuê, tiền không một cắc…Ở cái tuổi gần 70, với ông vụ án thực sự là một cuộc chiến quá mệt mỏi.

Huy Hoàng

Đọc thêm