Cống ngăn mặn lớn thứ 2 ĐBSCL chính thức hoạt động

(PLVN) - Cống âu Nguyễn Tấn Thành tại Tiền Giang đưa vào hoạt động sớm 1 tháng, sau gần 2 năm thi công. Khi đóng cống, tàu thuyền vẫn có thể qua lại nhờ hệ thống âu thuyền với thời gian qua âu dự kiến gần 1 giờ.

Đây là cống ngăn mặn, trữ ngọt có quy mô lớn thứ 2 ở ĐBSCL, sau cống Cái Lớn - Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành xây dựng ngay đầu kênh Nguyễn Tấn Thành thuộc xã Bình Đức, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cách sông Tiền hơn 400m do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Dự án với kinh phí hơn 518 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 407 tỷ đồng; có hạng mục chính là cống rộng 40m bằng bê tông, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực. Phần âu thuyền dài 150m có chiều rộng thông nước 12m, cao trình 5,5m và các hạng mục phụ như hệ thống quan trắc, giám sát tự động…

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành

Công trình được khởi công vào tháng 11/2022 đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vượt tiến độ 1 tháng so với kế hoạch.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành nhằm ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời cũng như điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Cùng với hệ thống cống ngăn mặn dọc sông Tiền sẽ góp phần bảo vệ vùng cây ăn trái của Tiền Giang, đặc biệt là cây sầu riêng.

Đọc thêm