Nhiều doanh nghiệp chủ động cơ giới hóa
Những ngày đầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mới thành lập, vấn đề nan giải nhất là các mỏ có mức độ cơ giới hóa rất thấp khi khai thác. Năng suất lao động vì thế thấp, điều kiện làm việc của người thợ mỏ nặng nhọc, chưa bảo đảm an toàn lao động nên nhiều công nhân có xu hướng bỏ việc. Điều này trái ngược với phương châm phát triển bền vững của TKV.
Thực tế cho thấy, các mỏ lộ thiên dần cạn kiệt, việc khai thác chủ yếu là hầm lò, nhiều lò xuống âm 50, âm 300… Mà càng xuống sâu, việc đi lại, vận chuyển vật tư, than, đất đá… càng khó khăn, chi phí sản xuất lớn. Theo đó, suất đầu tư đối với mỏ hầm lò ngày một tăng lên, hệ số bóc đất cũng tăng 3,1 lần, cung độ vận chuyển đất tăng tới 4 lần.
Theo Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 22/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ chủ yếu của ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025 là đổi mới, áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường; loại bỏ các công nghệ, thiết bị lạc hậu… Do đó, các doanh nghiệp khai khoáng trong đó có ngành Than gần đây đã rất nỗ lực đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Cụ thể, ở mỏ than hầm lò Núi Béo đã chế tạo thành công thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng. Đây là kết quả của áp dụng khoa học công nghệ do TKV chủ trì. Hiện, các đơn vị khác trong Tập đoàn này tiếp tục thực hiện thiết kế Dự án khai thác mỏ hầm lò Khe Chàm II-IV, thẩm tra thiết kế Dự án khai thác dưới -150m ở mỏ than Mạo Khê - cả hai mỏ này đều khai thông bằng giếng đứng.
Tương tự, một số nghiên cứu và chế tạo thiết bị chính tại Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2 (công suất 2 triệu tấn/năm) cũng mang lại hiệu quả cao. Đây là lần đầu tiên Việt Nam làm chủ về công nghệ tuyển than công suất lớn, giá thành rẻ hơn so với thiết bị của nước ngoài.
Giải phóng sức lao động, hiệu quả kinh tế cao
Nhằm đổi mới công nghệ, các dự án, đề tài trong ngành Than đã đưa ra các giải pháp nâng cao mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa công nghệ các mỏ trong 5 lĩnh vực: khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, tuyển than, quản lý an toàn mỏ, bảo vệ môi trường. Trong đó, cơ giới hóa khai thác và đào chống lò ở các mỏ hầm lò đóng vai trò quan trọng.
Đề tài “Nghiên cứu nâng cao mức độ cơ giới hoá và hiện đại hoá khai thác than hầm lò và định hướng ứng dụng cho các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh” đã được đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất tại nhiều mỏ như Mạo Khê, Nam Mẫu, Vàng Danh, Khe Chàm II-IV… mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật, nâng cao năng suất và an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc nặng nhọc của công nhân trong hầm lò.
Cụ thể, năm 2015, hầu hết các hầm lò thủ công bằng chống gỗ, buồng cột và đào lò lấy than đã chuyển sang công nghệ khai thác tiên tiến bằng cột chống thủy lực và khung giá thủy lực để chống giữ lò. Lò chợ được cơ giới hóa đồng bộ từ khâu đào đến vận chuyển; sử dụng máy khấu than combai, khoan tự hành tam-rốc, máy đào lò hiện đại AM-50Z, máy xúc đá, máy cào vận chuyển bằng băng tải, tời trụ ở giếng nghiêng…
Hàng chục lò chợ cơ giới hóa đồng bộ bằng dàn chống 2AHIII tại các Công ty Than Mạo Khê, Hồng Thái; dàn chống tự hành VIALTA tại các Công ty Than Vàng Danh, Nam Mẫu và nhiều đơn vị đã áp dụng thành công đào lò bằng máy combai AM-45 và AM-50Z để nâng cao tiến độ đào, mở rộng diện sản xuất.
Thực tế, trong cùng một điều kiện, ở lò chợ cơ giới hóa số lao động trung bình 90 người/phân xưởng, sản lượng đạt 230 - 400 ngàn tấn/năm, so với lò chợ khoan nổ mìn 120 -180 người/phân xưởng nhưng sản lượng 120 - 180 ngàn tấn/năm; năng suất lao động tăng 1,5 - 2,5 lần, giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp 1,5 - 2 lần.
Khi Công ty than Mạo Khê thực hiện cơ giới hóa từng phần trong khai thác, ngoài giải pháp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ thợ lò tại các cơ sở đào tạo của ngành Than, doanh nghiệp còn lựa chọn công nhân đi học tập tại các đơn vị đã sử dụng công nghệ này. Sau khi vận hành thuần thục làm chủ công nghệ, đội ngũ đã trực tiếp hướng dẫn này sẽ truyền đạt lại cho các thợ lò tại Công ty theo cách cầm tay chỉ việc.
Thậm chí, có đơn vị như Than Nam Mẫu còn quan tâm đưa hàng loạt kỹ sư, công nhân tay nghề bậc cao của mình sang Cộng hòa Séc, nơi khai sinh ra công nghệ giàn chống tự hành để đào tạo. Những người này khi trở về sẽ truyền nghề cho những người ở nhà. Do ý thức được giá trị của khoa học công nghệ, Than Nam Mẫu còn mời cả chuyên gia từ Cộng hòa Séc sang đào tạo trực tiếp và bảo trì, bảo dưỡng, vận hành cho đến khi phía Việt Nam làm chủ được công nghệ.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc đầu tư đổi mới công nghệ trong ngành khai thác than và khoáng sản đã góp phần tăng sản lượng than khai thác bình quân 14%/năm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc từ 10 - 80% trong những năm qua.