Theo lịch trình, sau khi cùng ĐT Việt Nam tham dự King’s Cup 2019 ở Thái Lan, tiền đạo có lối chơi ma thuật của đội tuyển Việt Nam sẽ bay sang Pháp để thử việc ở 1 CLB hạng Hai, mà theo nhiều chuyên gia bóng đá “có vẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là thành công”.
Vì sao họ đưa ra những cảnh báo như vậy? Phải chăng lịch sử xuất ngoại thi đấu tại Nhật Bản và Hàn Quốc là một trãi nghiệm không thể quên của Công Phượng. Môi trường thi đấu, sự hòa nhập, đã khiến anh hụt hơi trên sân cỏ.
Lần đầu tiên Công Phượng “xuất ngoại” để thi đấu cho Mito Hollyhock, một CLB giải J.League 2 Nhật Bản năm 2016, cầu thủ sinh năm 1995 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam tới một trong những cường quốc của môn thể thao vua ở châu lục.
Bầu Đức của HAGL tin tưởng Công Phượng sẽ tạo nên một sự khác biệt của các thế hệ cầu thủ Việt Nam khi thi đấu ở một môi trường bóng đá đầy thử thách, khắc nghiệp.
Và thật sự thương vụ Công Phượng sang đầu quân cho Mito theo dạng cho mượn từ HAGL với bản hợp đồng trị giá 100.000 USD đã rất thành công trên phương diện truyền thông.
Với vỏn vẹn 5 lần được ra sân trong màu áo Mito Hollyhock (1 lần đá chính), không ghi được bàn thắng nào cùng tổng số thời gian ra sân chỉ là 80 phút, chưa bằng thời lượng một trận đấu chính thức.
Sự kỳ vọng quá mức của người hâm mộ trong nước về anh đã hụt hẩng, ngay cả Công Phượng cũng không thể hài lòng với chuyến “du học” đầu tiên của mình. Đó thực sự là lần thi đấu mang nhiều hình thức “ngoại giao” hơn là sự bộc lộ tài năng của anh.
|
CLB Incheon đã nói lời cảm ơn với Công Phượng khi anh chia tay CLB |
Với Incheon United, Công Phượng có 8 lần ra sân, trong đó 3 lần đá chính, cùng tổng thời gian thi đấu là 352 phút, gấp 4,4 lần thời lượng thi đấu ở Nhật Bản trong màu áo Mito Hollyhock trước đây. Tuy nhiên, dấu ấn Công Phượng để lại không nhiều, cũng không ghi được bàn thắng hay tung ra đường chuyền kiến tạo nào cho các đồng đội.
Nhiều tờ báo Hàn Quốc cùng nhận định, áp lực và môi trường thi đấu K-League đầy khắc nghiệt đã gây ra không ít khó khăn cho cầu thủ đến từ Việt Nam, bên cạnh đó lối chơi bóng dài thiên về sức mạnh cũng không phù hợp với tiền đạo hạn chế về thể hình như Công Phượng.
Trang Hankooki viết: “Công Phượng đã có 9 trận chơi cho Incheon, 8 trận ở K.League và một trận tại FA Cup. Trong tất cả trận đấu này, anh ấy không thể tạo ra dấu ấn hay đột biến cho đội nhà, vì vậy rất tiếc phải nói lời tạm biệt".
Cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng Công Phượng không có nhiều bóng, thể lực yếu, trong khi lối chơi của các CLB ở Hàn Quốc thiên vệ thể lực nên Công Phượng bị đuối sức. Sự cô lập, cộng với thể hình khiến anh bị bỏ lại ở Incheon.
Tạm biệt Châu Á để đến với Âu Châu, một môi trường bóng đá đỉnh cao của thế giới quả là mạo hiểm, quá sức với Công Phượng. Đã có những tài năng của Châu Á sang thi đấu ở Châu Âu thành công, nhưng với Công Phượng anh vẫn chưa thế đạt tới trình độ vượt bậc đó.
|
Những bài học ở Hàn Quốc sẽ cho anh kinh nghiệm khi thi đấu ở Pháp |
Vậy chuyến đi sang Pháp này sẽ là một thử thách lớn sau hai lần không thành công ở Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cũng có thể Công Phương đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm khi thi đấu ở hai giải nhà nghề danh tiếng của Châu Á để bước sang Âu Châu với một vóc dáng mới.
Công Phượng vẫn đang ở độ sung sức của tuổi trẻ, nên việc tìm kiếm cơ hội tỏa sáng là việc nên làm dù biết trước nhiều khó khăn. Vậy thì “hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ”.
Vậy chúng ta hãy chờ xem.
Mùa giải vừa qua Paris FC (CLB Công Phượng thi đấu) xếp thứ 4 chung cuộc với 65 điểm kém đội dẫn đầu là Metz 16 điểm.
Theo thống kê của FOX Sports, trong năm 2018, Công Phượng là chân sút Việt Nam xuất sắc nhất. Cụ thể, tiền đạo này ghi 12 bàn tại V-League, 4 bàn tại cúp Quốc gia, 1 bàn tại U23 châu Á, 2 bàn tại ASIAD, 1 bàn trong trận giao hữu của ĐT Việt Nam và 3 bàn khác tại AFF Cup 2018, giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch.