Mỹ - Triều đều đánh giá cao
Sáng nay (25/2), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, từ ngày 27 đến 28/2 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có hội nghị tại Hà Nội.
Đây là sự kiện quốc tế được quan tâm hàng đầu của các quốc gia, dư luận thế giới vì liên quan đến hoà bình của một khu vực quan trọng cũng như quá trình đàm phán đã bắt đầu và đã có những dấu hiệu hết sức tích cực kể từ thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung thông tin tại họp báo. |
Theo Thứ trưởng Trung, quyết định về nội dung là do 2 nhà lãnh đạo, 2 quốc gia Mỹ-Triều Tiên đưa ra. Việt Nam, cụ thể là TP Hà Nội, được đề nghị làm địa điểm tổ chức.
“Việt Nam rất vinh dự, sẵn sàng tổ chức, bảo đảm về mặt an ninh, lễ tân, hậu cần để bảo đảm thuận lợi nhất cho hội nghị. Lãnh đạo Việt Nam, nhân dân Việt Nam và TP Hà Nội mong muốn qua việc tổ chức sự kiện này thể hiện đường lối đối ngoại hoà bình, muốn làm một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.
Ông Lê Hoài Trung cũng nêu rõ, Việt Nam rất mong muốn đóng góp trực tiếp vào quá trình đối thoại, hoà bình, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình và đối thoại quốc tế.
Cũng qua dịp này, Việt Nam muốn tăng cường vai trò không chỉ của Việt Nam mà của cộng đồng ASEAN trong đời sống quốc tế hiện nay. Việt Nam mong muốn giới thiệu về những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện trong nhiều thập kỷ qua, giới thiệu về đất nước, thủ đô Hà Nội có nhiều năm văn hiến, đặc biệt năm nay đúng 20 năm TP được nhận danh hiệu Thành phố vì hoà bình của UNESCO.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, thời gian chuẩn bị rất ngắn, nhưng công tác chuẩn bị hậu cần, lễ tân, an ninh đã được hoàn tất. Lãnh đạo cấp cao Đảng, nhà nước Việt Nam và TP Hà Nội xác định mặc dù là công tác đột xuất song đây là công tác có tầm quan trọng hàng đầu của hoạt động đối ngoại năm 2019.
Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam rất quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp có nhiều hoạt động chỉ đạo về các khâu. TP Hà Nội cũng đã rất tích cực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo trực tiếp ngay tại các địa điểm phục vụ hội nghị thượng đỉnh.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, tới lúc này, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất chu đáo về tất cả các mặt. Về an ninh, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai các công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, với Bộ Quốc phòng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh Mỹ và Triều Tiên triển khai các phương án bảo vệ ngay từ trước khi hội nghị diễn ra, phương án đưa đón, bảo đảm an ninh cho các đoàn…
|
Tới thời điểm này, đã có gần 3.000 nhà báo quốc tế và hơn 500 nhà báo trong nước đăng ký tham gia tác nghiệp tại sự kiện quan trọng này |
Đến nay công tác bảo đảm an ninh đã hoàn tất. Các đoàn tiền trạm về an ninh của hai nước Mỹ-Triều Tiên đều đánh giá cao và cảm ơn công tác bảo đảm an ninh, an toàn của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trung, mỗi nước có một truyền thống, ở Việt Nam, ngoài bảo đảm an ninh về mặt vật chất, nét đẹp trong bảo vệ an ninh của Việt Nam là có sự mềm mại.
Về công tác y tế, Bộ Y tế có phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, chỉ định các bệnh viện (BV), trong đó có BV Hữu Nghị, Bạch Mai, BV E, trực cấp cứu 24/24 giờ, ngoài ra có các cơ sở y tế tại các địa điểm thuộc trung tâm hội nghị quốc tế.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết dư luận quốc tế đến nay mong muốn có những diễn biến tích cực tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Dư luận đều đánh giá cao, cho rằng việc lựa chọn Hà Nội-Việt Nam là một địa điểm thuận lợi và có ý nghĩa, vì khả năng của Việt Nam đã được thể hiện qua thực tế tổ chức những sự kiện quốc tế lớn và những chuyến thăm song phương của các nước. Việt Nam cũng là mối quan tâm của quốc tế về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, về hội nhập quốc tế trong nhiều năm qua, có quan hệ tốt với cộng đồng quốc tế, có quan hệ tốt với cả 2 đối tác Triều Tiên và Mỹ. Năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và nếu trúng cử sẽ là uỷ viên trong năm 2020.
Dịp này, Tổng thống Donald Trump cũng có những cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng sẽ thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau 55 năm có chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cao nhất của CHDCND Triều Tiên đến Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là “người nhà” của phóng viên
Cũng tại họp báo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến nay, có gần 3.000 phóng viên quốc tế từ trên 200 hãng thông tấn, báo chí quốc tế đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về phía Việt Nam có gần 550 phóng viên.
Số lượng phóng viên dự hội nghị lần này lớn hơn nhiều so với sự kiện Hội nghị thượng đỉnh APEC Việt Nam được tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11/2017.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, ở Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Việt Nam có gần 3 tháng chuẩn bị cơ sở hạ tầng trong khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội chỉ có chưa tới 10 ngày chuẩn bị cho sự kiện này. Thời gian chỉ bằng gần 1/10 so với chuẩn bị cho APEC. Do nơi tổ chức vốn là 1 nhà văn hoá nên cơ sở chuẩn bị cho Trung tâm báo chí gần như phải làm từ đầu. Các cán bộ, kỹ thuật viên đã phải làm việc 24/24 giờ không nghỉ.
“Trung tâm Báo chí bảo đảm điều kiện hoạt động cho ít nhất 4.000 phóng viên. Khó nhất của trung tâm báo chí là trong một diện tích hẹp có rất nhiều người tác nghiệp, việc bảo đảm tốc độ, không bị nghẽn là thách thức cho mạng viễn thông”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông của Việt Nam khẳng định cả 4.000 phóng viên trong và ngoài nước sẽ được bảo đảm wifi với tốc độ ít nhất 5MGB/s, quốc tế tối thiểu 3MGB/s. Ngoài ra, gần 1.500 điểm truy cập Internet cố định để kết nối với laptop, tốc độ tối thiểu 20 MGB/s…
Tại trung tâm lắp đặt thêm 30 trạm phát sóng 2G, 3G, 4G. Đồng thời, bảo đảm truyền hình trực tiếp từ đây ra quốc tế, thuê 14 kênh truyền hình vệ tinh và vẫn còn đủ dung lượng để tiếp tục cho thuê…
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chuẩn bị một số thông tin về đất nước, con người Việt Nam và 1 bộ tem bưu chính riêng rất đẹp về Việt Nam để gửi tặng phóng viên quốc tế, cùng với món quà của TP Hà Nội.
“Đất nước Việt Nam, TP Hà Nội đón chào các bạn, là một cơ hội tốt để các bạn truyền đi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới, cũng là cơ hội để các bạn biết đến Việt Nam nhiều hơn, Hà Nội nhiều hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông là người nhà của các bạn phóng viên trong những ngày các bạn có mặt ở Hà Nội, Việt Nam để tác nghiệp sự kiện này. Bộ Thông tin và Truyền thông cử 2 Thứ trưởng phụ trách hạ tầng viễn thông và thông tin tuyên truyền để chuyên trách về sự kiện”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Ông cũng mong các phóng viên có thời gian tác nghiệp thành công và cảm nhận được tình cảm nồng ấm, thân thiện của Việt Nam, của lãnh đạo và con người Việt Nam.
Hà Nội cam kết bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động
Về phía Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện lớn song đây là lần đầu tiên được chọn tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai quốc gia.
TP Hà Nội được giao toàn bộ công tác trang trí các đường phố, quanh trung tâm báo chí, nơi diễn ra hội nghị, nơi ở, nơi diễn ra cuộc gặp cấp cao. Đến nay, TP đã hoàn thành 95 cụm banner, 3.000 cụm treo cờ, 27 màn hình led tại các vị trí… bảo đảm công tác an toàn vệ sinh môi trường, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu khi có yêu cầu.
|
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung. |
Đặc biệt, Công an TP Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô được giao nhiệm vụ chính bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, công tác an ninh cho tất cả các hoạt động của 2 đoàn, hoạt động bên lề, trung tâm báo chí, thăm chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và gặp gỡ song phương của Tổng thống Donald Trump.
Chủ tịch Hà Nội khẳng định đến nay các công tác cơ bản hoàn thành mặc dù thời gian rất ngắn, khối lượng công việc nhiều, bảo đảm phục vụ hoàn toàn các yêu cầu của các đoàn dự hội nghị, các phóng viên báo chí…
TP Hà Nội làm hết sức mình, cam kết bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động chính thức, hoạt động bên lề, hoạt động thượng đỉnh cũng như chuyến thăm chính thức và gặp gỡ song phương của các lãnh đạo hai nước đến Việt Nam cũng như hoạt động của phóng viên báo chí.
Người đứng đầu chính quyền TP cho biết Hà Nội là TP duy nhất của châu Á được vinh danh danh hiệu Thành phố vì hoà bình. Chính quyền TP Hà Nội và người dân TP đang làm tất cả những gì để xứng đáng với sự vinh danh của UNESCO.
“Với bề dày lịch sử trên 1.000 năm tuổi, có sự kết tinh giữa văn hoá Á Đông và văn hoá châu Âu, Hà Nội sẽ là một nơi tuyệt vời để trải nghiệm. Hy vọng các bạn phóng viên sẽ có thời gian trải nghiệm văn hoá đặc sắc ở Hà Nội, lòng mến khách của người dân và hy vọng các bạn sẽ trở lại với Hà Nội sau sự kiện này”, ông Chung nói.