Công tác giám sát của Quốc hội: Làm thiết thực, hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm

(PLVN) -  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ yêu cầu trên khi phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, diễn ra sáng 17/2.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp.

Giám sát phải làm đến nơi đến chốn

Báo cáo tình hình triển khai giám sát chuyên đề, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh cho biết, bước đầu tổng hợp cho thấy, hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch chậm 14 tháng so với quy định; Việc hướng dẫn quản lý, thanh quyết toán kinh phí lập quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công cũng bị chậm.

Đến thời điểm hiện nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia (bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia) mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31/12/2020 theo yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP.

Hiện chưa có quy hoạch vùng nào được phê duyệt. Mới chỉ có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Hội đồng thẩm định đã thông qua. Quy hoạch của 5 vùng còn lại vẫn chưa xong nhiệm vụ lập quy hoạch…

Đã có 62/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hoàn thành lập, trình thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh. Còn TP Hồ Chí Minh trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định trong tháng 2/2022.

Báo cáo của Đoàn Giám sát cho rằng, những tồn tại, hạn chế chủ yếu do những bất cập liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan; Thời gian thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch kéo dài; Việc chậm lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch cấp tỉnh. Việc phối hợp giữa các cơ quan và giữa các cơ quan với đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn có nhiều khó khăn, bất cập…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nêu rõ, công tác giám sát năm 2022 được đặc biệt quan tâm. Tinh thần hoạt động giám sát phải làm thiết thực, hiệu quả; giám sát phải làm đến nơi đến chốn, có những kết luận rõ ràng, minh bạch, quy rõ và xác định trách nhiệm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Liên quan đến giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Chủ tịch QH yêu cầu, cần có văn bản hỏa tốc gửi tất cả các đầu mối, các bộ, ngành và địa phương trong Kế hoạch giám sát đã xác định để đôn đốc thực hiện việc gửi báo cáo bởi đây là dữ liệu đầu vào của Đoàn giám sát.

Chủ tịch QH cho rằng, “quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch đảm bảo tốt, đúng tiến độ mới tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Đoàn giám sát phải tập trung làm rõ những nội dung trọng tâm của mục tiêu giám sát; chỉ rõ danh mục văn bản pháp luật và thời hạn ban hành theo quy định của luật; đánh giá kỹ lưỡng chất lượng và tiến độ cụ thể của công tác quy hoạch…

Khẳng định hai vấn đề quan trọng đối với công tác quy hoạch là tiến độ và chất lượng, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị Đoàn giám sát cần đánh giá kỹ về chất lượng công tác quy hoạch, không vì đẩy nhanh tiến độ mà giảm chú ý đến chất lượng công tác quy hoạch. Đồng thời, cần bổ sung cơ sở chính trị pháp lý của việc giám sát, chỉ rõ những vướng mắc trong quy định của văn bản pháp luật và đề xuất sửa đổi để tháo gỡ.

Đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động khám chữa bệnh

Cũng tại phiên họp sáng 17/2, với 100% các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành, UBTVQH đã thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tại phiên họp.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về phạm vi của dự án Luật, đã phân định rõ giữa công tác khám chữa bệnh (KCB) và y tế dự phòng. Theo đó, tại dự án Luật này sẽ chỉ quy định về vấn đề KCB. Các nội dung liên quan đến dự phòng, bao gồm nâng cao sức khỏe (các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần), phòng, chống bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân sẽ được quy định trong dự án Luật Phòng bệnh. Còn việc cho phép sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để chi cho một số hoạt động KCB có tính chất dự phòng như tầm soát ung thư sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm y tế.

Cơ quan soạn thảo cũng đã rà soát lại toàn bộ các chính sách để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác KCB, làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”. Theo đó, đã chỉnh lý và hoàn thiện 10 nhóm chính sách, gồm tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề; tăng cường quản lý hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở KCB; tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động KCB; đổi mới quy định về phân cấp hệ thống cơ sở KCB; quy định KCB trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A…

10 nhóm chính sách này tập trung vào 5 giải pháp gồm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và của cơ sở KCB; cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động KCB; bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ KCB của người dân tại các vùng miền, công bằng giữa cơ sở KCB của Nhà nước và tư nhân.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Báo cáo đánh giá tác động đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung, cập nhật đánh giá tác động đối với 10 nhóm chính sách đã nêu trên, trong đó tập trung đánh giá tác động đối với quy định bỏ cấp phép hành nghề đối với chức danh y sỹ; sử dụng ngôn ngữ trong KCB; kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề; phân cấp hệ thống cơ sở KCB; bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở KCB…

Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thể hiện sự tán thành cao với sự cần thiết sớm sửa đổi toàn diện Luật KCB để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; khắc phục các hạn chế, bất cập trong thi hành Luật KCB thời gian qua; giải quyết những vấn đề mới đặt ra để phát triển, hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng công tác KCB…

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ nội hàm, cơ chế thực hiện và tính khả thi của một số nội dung dự kiến quy định trong dự án Luật được mở rộng so với phạm vi của hoạt động KCB theo quy định của Luật hiện hành, như về điều trị dự phòng (khoản 2 Điều 2), về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do cơ sở KCB cung cấp (khoản 3 Điều 2)... khi chưa có đánh giá tác động đầy đủ về các nội dung này.

Biểu quyết thông qua việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. UBTVQH đề nghị, trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo và hoàn chỉnh hồ sơ cần làm rõ một số vấn đề như ranh giới giữa y tế dự phòng và KCB; làm rõ sự khác nhau trong điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh; làm rõ các nội dung về việc sử dụng ngân sách nhà nước trong KCB và y tế dự phòng, các tiêu chí các cơ sở KCB hoạt động phi lợi nhuận, y tế công lập, các đơn vị tự chủ, các hình thức cơ sở cổ phần…

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề tài chính - ngân sách, trang thiết bị y tế cho công tác KCB thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm. Do vậy, việc sửa đổi Luật KCB lần này phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi và có khung khổ pháp lý thực hiện.

Đọc thêm