Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Chuyển hóa chủ trương thành hành động thực tiễn

(PLVN) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vấn đề trên tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị do Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì, chiều 29/6.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Các chủ trương, chính sách đối với kiều bào ta ở nước ngoài là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến NVNONN là luôn xác định cộng động NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta mong muốn, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để kiều bào phát huy tinh thần tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tham gia phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Theo thống kê, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, tri thức và nguồn lực “mềm”, đóng góp cho xây dựng thương hiệu quốc gia và là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

“Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng của đồng bào ta cả trong nước cũng như ở nước ngoài, tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng, khích lệ kiều bào nỗ lực vươn lên. Nhờ đó, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng về địa bàn”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ.

Quán triệt tinh thần, chủ trương, định hướng lớn của Kết luận 12-KL/TW (Kết luận 12) của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 169), tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị tiếp tục đẩy mạnh quán triệt sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể về chủ trương, quan điểm, phương châm và các định hướng lớn đã đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với NVNONN (Nghị quyết 36), Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với NVVONN trong tình hình mới (Chỉ thị 45) và Kết luận 12 của Bộ Chính trị cũng như các nhiệm vụ Chính phủ đã giao trong Nghị quyết 169.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cần đẩy mạnh chuyển hóa chủ trương thành hành động thực tiễn để các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về NVNONN mang lại kết quả cụ thể và thiết thực cho đất nước và kiều bào ta. Mỗi ngành, mỗi địa phương cần quan tâm đến bộ phận người dân là NVNONN trong xây dựng và triển khai các chính sách, quy định của ngành, địa phương mình, nhất là đánh giá các chính sách, quy định đó mang lại lợi ích, tạo thuận lợi gì hay gây khó khăn gì đối với bà con.

Nhấn mạnh công tác NVNONN là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, cần tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương và Bộ Ngoại giao (thông qua Ủy ban Nhà nước về NVNONN) và các ngành trong nghiên cứu, tham mưu, điều phối, hướng dẫn và đôn đốc việc triển khai các chủ trương, chính sách đối với NVNONN.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, việc quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của công tác NVNONN trong ngành Ngoại giao. Vì vậy, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao cần nghiêm túc học tập, nghiên cứu để nắm vững các quan điểm, nội dung cốt lõi, nhất là các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ mới mà Đảng và Nhà nước đặt ra đối với công tác NVNONN trong tình hình mới.

Bộ trưởng Ngoại giao tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý thống nhất và hiệu quả của Nhà nước, sự đồng thuận và vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của đồng bào ta ở trong và ngoài nước, việc triển khai Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn, đóng góp quan trọng vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Nhấn mạnh những kết quả nổi bật của công tác thông tin đối ngoại đối với cộng đồng NVNONN thời gian qua, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết, bà con NVNONN đã hiểu hơn về tình hình đất nước, về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; cảm nhận rõ hơn niềm tự hào về đất nước, về sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với bà con.

Nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại tới cộng đồng NVNONN trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, về tư duy, công tác thông tin đối ngoại cần đảm bảo “chủ động hơn nữa, kịp thời hơn nữa, thống nhất hơn nữa và sáng tạo” để đạt được yêu cầu mà Bộ Chính trị và thực tiễn đề ra, đáp ứng được mong mỏi của bà con NVNONN.

Về nội dung, theo ông Lê Hải Bình, cần tìm hiểu, bám sát bà con để biết được bà con đồng bào ta ở nước ngoài cần những thông tin gì để từ đó có sự thông tin đa dạng, toàn diện, sâu sắc và thuyết phục cao. Về phương thức, cũng cần đổi mới để việc thông tin được nhanh hơn, kịp thời hơn, đa dạng hơn và hiệu quả hơn.

Về cơ chế phối hợp, cần tiếp tục thúc đẩy sự phối hợp triển khai toàn diện, kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa các kênh (đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân), các lĩnh vực (chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, văn hóa...) một cách toàn diện; phối hợp giữa các cơ quan trong nước với hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống các hội, đoàn của NVNONN, bảo đảm sự thông suốt giữa thông tin ở trong và ngoài nước.

Đọc thêm