Công ty giải tán bằng bản án… ly hôn

 Một công ty có tài sản giá trị hàng chục tỷ đồng bỗng thành “tay trắng” sau vụ ly hôn của 2 thành viên góp vốn, bởi Toà án chia toàn bộ tài sản công ty cho 2 vợ chồng này...

Một công ty có tài sản giá trị hàng chục tỷ đồng bỗng thành “tay trắng” sau vụ ly hôn của 2 thành viên góp vốn; bởi Toà án lấy toàn bộ tài sản của công ty để chia cho 2 vợ chồng. Toà còn phán các quan hệ vay mượn, làm ăn…của công ty với bạn hàng mà không cần phải có yêu cầu hoặc đề nghị của bên nào, khiến nhiều chủ nợ của công ty “méo mặt”…

Giám đốc ly hôn, công ty phá sản

Ngày 12/8/2010, TAND huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá xét xử vụ án “Tranh chấp hôn nhân và gia đình” giữa chị Lê Thị Tuyết (nguyên đơn) và anh Lê Sỹ Tăng (cùng trú tại xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hoá).

Trụ sở công ty Hoa Mai

Khi vào phần phân chia tài sản, HĐXX đã “xẻ đôi” tài sản của một doanh nghiệp (Cty TNHH Hoa Mai) vì cho rằng đây là khối tài sản chung của hai vợ chồng.

Theo bản án, tất cả tài sản của cty đều được định giá để chia như: Nhà văn phòng, nhà xưởng, nhà xe, nhà bảo vệ, nhà kho… phục vụ công tác điều hành sản xuất. Máy phát điện, máy biến áp, hầm cấp đông, cẩu thịt lợn, dàn inox, cân đồng hồ…phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Thậm chí, quyền sử dụng đất mà cty được cho thuê, xe ô tô tải do cty đứng tên đăng ký… cũng bị toà coi là tải sản chung của hai vợ chồng, định giá rồi chia tuốt.

Theo Đăng ký kinh doanh, Cty Hoa Mai được thành lập trên cơ sở anh Tăng (góp 93,5% vốn) và chị Tuyết (góp 6,5% vốn). Chính vì vậy, toà đã phán: “Tài sản vợ chồng có gồm tài sản chung của vợ chồng và tài sản đứng tên chủ sở hữu là Cty Hoa Mai”. Ngay bản thân nhận định trên đã thấy mâu thuẫn bởi, “tài sản đứng tên chủ sở hữu cty” thì không thể nào là “tài sản chung của vợ chồng” được. Theo quy định, cty (một pháp nhân) với anh Tăng (hoặc chị Tuyết, đều là thể nhân) hoàn toàn độc lập với nhau về tài sản.

Với bản án trên, HĐXX còn “đứng trên” cả Luật Doanh nghiệp và gián tiếp “cướp trắng” tài sản của cty bởi đã chia tài sản của cty cho các thành viên góp vốn mà không cần làm thủ tục giải thể hoặc phá sản cty (luật quy định:“Các thành viên góp vốn được chia giá trị tài sản còn lại của cty tương ứng với phần vốn góp khi cty giải thể hoặc phá sản”).

Chủ nợ và bạn hàng “méo mặt”

Ngoài việc coi tài sản của pháp nhân là tài sản của cá nhân, HĐXX còn tự ý phán quyết về những hợp đồng kinh tế của Cty Hoa Mai với các đơn vị khác, mặc dù các bên của hợp đồng không có yêu cầu giải quyết các quan hệ này. Đơn cử như hợp đồng vay nợ với ông Nguyễn Đình Đông, Hợp đồng mua bao bì với Cty Cơ khí Binh Phú Xuân, Hợp đồng mua bán lợn sữa với anh Trần Viết Tịnh, Hợp đồng mua lợn sữa với chị Mai Thị Mật, Hợp đồng mua gia súc với anh Lê Kinh Thụ…

Với việc “ôm đồm” này, HĐXX đã chuyển đối tác làm ăn của Cty Hoa Mai thành “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” của vụ ly hôn, trong khi đáng lẽ họ phải là nguyên đơn hoặc bị đơn trong những tranh chấp (nếu có) với Cty Hoa Mai.

Mặc dù phán quyết về các hợp đồng làm ăn của Cty Hoa Mai, nhưng HĐXX lại không coi anh Tăng như một người đại diện theo pháp luật của cty (theo đăng ký kinh doanh). Trong khi đó, chị Tuyết lại nghiễm nhiên được Toà công nhận lời khai như là một đại diện đương nhiên của Cty Hoa Mai trước pháp luật.

Vậy là trong một vụ ly hôn, HĐXX không những chuyển tài sản của một pháp nhân thành tài sản của cá nhân mà còn tự ý xử lý cả hậu quả của hợp đồng kinh tế mặc dù không có tranh chấp của các bên liên quan.

Về vụ ly hôn “kết hợp” giải tán công ty và giải quyết hợp đồng kinh tế trên đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với LS Nguyễn Anh Tuấn- VPLS Đông Dương (Nghệ An):

Thưa LS, được biết LS đã làm thủ tục để tham gia vụ kiện này 2 ngày trước khi phiên toà sơ thẩm được mở nhưng vẫn không được tham gia phiên toà. Vì sao vậy?

 

- Đúng là tôi có làm đầy đủ các thủ tục để tham gia phiên toà nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trước phiên xử sơ thẩm hai ngày nhưng không được toà chấp nhận. Đáng lẽ toà phải có văn bản về việc từ chối luật sư gửi cho tôi, thì HĐXX lại nêu vấn đề này tại bản án sơ thẩm.

Họ cho rằng “Việc LS tham gia gần ngày mở phiên toà không đủ thời gian xem xét, nghiên cứu hồ sơ dẫn đến việc không xem xét đánh giá một cách toàn diện vụ án nên không có cơ sở để chấp nhận tham gia phiên toà của luật sư”.

Tôi thấy lý do từ chối nêu trên rất vô duyên và không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào cả. Luật cũng không quy định cụ thể LS phải nghiên cứu hồ sơ trong bao nhiêu lâu để có thể tham gia vụ án. Chúng tôi có thể tham gia bất cứ giai đoạn nào trong tố tụng dân sự và toà án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của mình.

- Ngoài việc tham gia phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, LS còn có trách nhiệm phát hiện việc áp dụng sai pháp luật, làm ảnh hưởng lợi ích của các tổ chức, cá nhân khác. Ông nhận xét về vấn đề trên thế nào trong vụ án này?

Trong vụ án ly hôn này, HĐXX sơ thẩm đã chuyển tài sản của một pháp nhân (Cty Hoa Mai) cho các thành viên góp vốn. Điều này không những đã “khai tử” một doanh nghiệp mà còn làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác.

Tôi đơn cử như, khi Cty Hoa Mai không còn tài sản thì không thể tiếp tục thực hiện các hợp đồng dang dở, không thể làm ăn để trả nợ tiền hàng cho đối tác. Các ngân hàng cũng không thể đòi được nợ vì không thể phát mại tài sản do cty thế chấp (nay đã là của các cá nhân).

Các chủ nợ có khởi kiện đòi nợ thì Cty Hoa Mai cũng không có tiền, tài sản gì để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cả vì Cty Hoa Mai chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Việc chuyển tài sản của pháp nhân thành tài sản của các thành viên góp vốn như trên là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

- Điều này có nghĩa, khi đã góp vốn vào cty thì các thành viên không được “rút” vốn bằng cách chia tài sản của cty khi nó chưa bị giải thể hoặc phá sản?

Đúng vậy, Luật Doanh nghiệp quy định “các thành viên góp vốn được chia giá trị tài sản còn lại của cty tương ứng với phần vốn góp khi cty giải thể hoặc phá sản”. Còn trong quá trình cty đang hoạt động thì các thành viên chỉ “định đoạt số vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho và cách khác theo quy định và điều lệ cty”.

Điều này có thể hiểu, tài sản của các thành viên là phần vốn góp trong cty và lợi nhuận tương ứng với số vốn này. Không thể coi một phần tài sản của cty là tài sản của thành viên góp vốn được.

Nếu xử như TAND huyện Hoằng Hoá, tôi nghĩ sẽ rất nhiều cặp vợ chồng sẽ thi nhau ly hôn (có thể là ly hôn giả) để chia chác tài sản của cty mà họ là thành viên. Đặc biệt nguy hiểm nếu tài sản của cty lại được hình thành từ nguồn vốn vay của các ngân hàng và các đơn vị khác.

- Xin cảm ơn ông!

Khoa Lâm

Đọc thêm