COVID-19 và vaccine “thức tỉnh”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trường ca “Sự sống và lòng biết ơn”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn nộp lưu chiểu quý 3/2021, Trường ca gồm 46 khúc, hơn 220 trang in. Đây là tác phẩm thứ 15 (gồm 2 trường ca, 10 tập thơ, 2 tập ký và tản văn) của nữ nhà thơ, họa sỹ Phạm Thị Phương Thảo.
COVID-19 và vaccine “thức tỉnh”

Về thời gian, trường ca bắt đầu từ đêm Giao thừa đáng nhớ chuyển sang năm Canh Tý 2020. Thiêng liêng thay thời khắc giao thừa. Bỗng mưa đá, sấm chớp xảy ra, hiện tượng tự nhiên chưa bao giờ có.

Trong “Sự sống và lòng biết ơn”, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đặt câu hỏi: “Có phải là một điềm báo của vũ trụ, của mẹ thiên nhiên?/ Có phải dấu hiệu về sự trừng phạt của mẹ thiên nhiên với loài người?/ Phải chăng là cái kết tất yếu khi sự tham lam, ngu ngốc của chúng ta đã đến lúc phải trả giá?/ Khi con người vẫn tiếp tục hủy hoại thiên nhiên, môi trường sống một cách không thương tiếc”, (trang 20).

COVID-19 đã góp phần thức tỉnh nhân loại, thức tỉnh từng con người. Con người buộc phải “Thay đổi thói quen”, (khúc 10), “Sống chậm lại”, (Khúc 12), biết “Tự cách ly”, học lại từ những điều đơn giản như rửa tay (Khúc 13) để bảo vệ gia đình và cộng đồng. Phạm Thị Phương Thảo dành hẳn Khúc 28 nói về “Sự thức tỉnh” của nhân loại.

Sự thức tỉnh ngay ý thức chấp hành luật pháp, chung sức đồng lòng cùng Chính phủ. Thực tế, từ đêm Giao thừa sấm chớp, mưa đá ấy đến nay đã có “bốn làn sóng” COVID-19 vào Việt Nam. Nhiều địa phương lần lượt trở thành tâm dịch. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh, 18 tỉnh và thành phố khác ở phía Nam và Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Ở những địa phương này, chính quyền yêu cầu cư dân ở nhà, ra ngoài không lý do chính đáng sẽ bị phạt, vậy nên “Hãy ở yên trong ngôi nhà của bạn”, (Khúc 41). Với Phạm Phương Thảo, chị biết “sống chậm”, theo cách của nhà thơ. “Làm tất cả những việc yêu thích mà bạn chưa có điều kiện làm hay đơn giản là chưa có thời gian để làm trước đây/ Hãy đọc cuốn sách hay mà ta yêu thích hay muốn tự khám phá các tác phẩm văn học nghệ thuật mà ta chưa kịp tìm hiểu...”, (trang 23).

Trước hiểm họa COVID-19, với Việt Nam, chủ nghĩa nhân văn Việt Nam với truyền thống, đạo lý “Bầu ơi thương lấy bí cùng” được phát huy hơn bao giờ hết. Đất nước dang rộng vòng tay đón những công dân đang làm ăn, học tập ở nước ngoài – những nước “tâm dịch” trở về. “Trong tim mỗi người Việt hôm nay bỗng tràn ngập lòng yêu thương đồng loại/ Chúng ta xúc động hơn trước rất nhiều hiện thực đẹp đẽ, xa xót/ Hàng nghìn người con xa quê đang hối hả quay trở về Tổ quốc/ Đất nước lại dang rộng vòng tay đón đàn con xa xứ trở về nhà/ Yêu con người, yêu đất nước, chúng ta cần thêm lòng nhân ái, bao dung/ Để mỗi người thêm trân trọng, biết ơn nước Việt, nòi giống Tổ tiên mình!”, (trang 43, Khúc 11: Trở về đất mẹ). Không chỉ đón công dân từ các nước về, các tỉnh, thành phố miền Trung để “chia lửa” với TP Hồ Chí Minh trong thời gian “cách ly xã hội”, đã kịp thời đưa bà con về quê hương, gia đình.

Và đó là tình người trong dịch bệnh, tình người đối với nhân dân vùng dịch, vùng đang bị giãn cách, cách ly... làm cho mọi trái tim dù “vô cảm” nhất cũng phải rung lên “nhịp điệu” người. Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo gọi đó là “Vaccine mang tên lạc quan”, (Khúc 24).

Trong trường ca “Sự sống và lòng biết ơn”, Phạm Thị Phương Thảo đã có những trang viết xúc động dành cho “Những chiến binh áo trắng”, (Khúc 27). Đội ngũ thầy thuốc Việt Nam, từ bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên đã và đang thực sự là những “chiến binh” ở tuyến 1 chống COVID-19. Họ đang thực hiện “Sứ mệnh chiến thắng”, (Khúc 42) cho những “Mùa sinh nở”, (Khúc 33).

“Thế giới rồi sẽ đi đâu?”, câu này trong “Vĩ thanh” đang là câu hỏi lớn của nhân loại. Dù rất khó trả lời bởi với COVID-19 - con người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. COVID-19 đã và đang thức tỉnh lương tri. “Khi lòng người luôn gieo hạt thiện thế gian này sẽ nở hoa”, (Phạm Phương Thảo), điều này minh định một chân lý.

Với “Sự sống và lòng biết ơn”, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã có những lý giải về sự bất ổn, lên tiếng về sự vĩnh cửu. Trường ca vì thế không chỉ là biết ơn “Những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch”, (Khúc 43), đã và đang bảo vệ sự sống cho các bệnh nhân COVID-19, mà có giá trị thông điệp, giá trị tư tưởng. Chúng ta có quyền hy vọng, đó là “vĩ thanh” được chờ đợi.