“CPI tăng hay giảm đột ngột đều là tín hiệu cần lưu ý”

Sau 5 tháng tăng ở mức thấp và âm, CPI tháng 8 đã tăng 0,63% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Đây là tín hiệu mừng trong bối cảnh có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tình trạng giảm phát, hay là chỉ dấu báo hiệu lạm phát bắt đầu quay trở lại? - PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vừa chia sẻ với báo giới quanh câu chuyện này.

Sau 5 tháng tăng ở mức thấp và âm, CPI tháng 8 đã tăng 0,63% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Đây là tín hiệu mừng trong bối cảnh có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tình trạng giảm phát, hay là chỉ dấu báo hiệu lạm phát bắt đầu quay trở lại? - PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vừa chia sẻ với báo giới quanh câu chuyện này.

 

Thưa ông, ông bình luận như thế nào về việc CPI tháng 8 tăng trở lại?

- Nguyên nhân trực tiếp từ câu chuyện CPI tháng 8 cao hơn tháng trước - nguyên nhân mang tính lịch sử là vài năm trở lại đây, cứ giai đoạn nào mà chúng ta nỗ lực dồn sức chống lạm phát thì chỉ một thời gian ngắn sau lạm phát lại bùng nổ. Hoàn cảnh bây giờ tương tự những lần trước, lạm phát đã giảm nhưng có dấu hiệu tăng trở lại khi mà các biện pháp nới lỏng tiền tệ được đưa ra. Tôi nghĩ rằng phải nên cân nhắc cả quá khứ và tình huống hiện tại. Theo tình huống hiện tại, sức khỏe nền kinh tế đang yếu, mọi vấn đề xảy ra như lạm phát cao hay là lạm phát xuống thấp cũng là vấn đề nếu nó xảy ra đột ngột.

Vấn đề là nếu lạm phát tăng lên hay giảm đi đột ngột thì đều là tín hiệu bất ổn của nền kinh tế. Hiện tại chúng ta cần chú ý đến vấn đề là thị trường nguội lạnh, sức cầu giảm. Giá cả tiếp tục hạ chứng tỏ sức mua thị trường yếu. Tầm nhìn xa hơn chút, thì chú ý đến vấn đề kiểm soát tiền tệ linh hoạt làm sao để kinh tế có thể dần phục hồi tăng trưởng nhưng không để lạm phát tăng trở lại. Khi nền kinh tế đang yếu thế này thì nguy cơ tái phát lạm phát rất là cao.

Nhưng có ý kiến cho rằng nền kinh tế vẫn đang đứng trước nguy cơ đình trệ - lạm phát, thưa ông?

- Nhìn ở góc độ trước mắt, nền kinh tế Việt Nam không phải trong tình trạng như thế vì lạm phát của chúng ta đang ở mức rất thấp. Đình-lạm hiểu theo nghĩa là tăng trưởng rất thấp nhưng lạm phát lại rất cao. Nền kinh tế của chúng ta lại đang ngược lại, lạm phát xuống với tốc độ đáng lo ngại. Theo cách nhìn theo hướng dài hạn thì nền kinh tế nước ta lạm phát cao trong khi mức tăng trưởng chững lại thì đây là vấn đề cũng cần đặc biệt lưu tâm. Trong dài hạn nhiều năm mà vấn đề lạm phát tăng cao thì chứa đựng yếu tố bất ổn vĩ mô, cần đặc biệt lưu tâm. Và tình trạng đình trệ cho thấy hiệu quả đầu tư giảm, và để muốn vực đầu tư lên thì chúng ta phải bơm tiền ra, cách thức tăng trưởng bơm vốn vào thì có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao, không cần thận chúng ta sẽ rơi vào tình huống luẩn quẩn giữa tăng trưởng và lạm phát.

Ông có nói sức khỏe nền kinh tế đang yếu, vậy có cách nào làm tạo động lực thu hút đầu tư cho nền kinh tế?

- Không phải bốc thuốc uống xong cái khỏi ngay. Nền kinh tế khó mấy năm nay rồi, không phải tình cờ khó. Mà bệnh này xuất phát từ nội tại nền kinh tế từ cách thức tăng trưởng một nước nghèo dựa nhiều vào vốn, khai thác tài nguyên thật nhiều. Để tạo ra thay đổi môi trường đầu tư không thể có một vài biện pháp nào có thể giải quyết được mà vấn đề ở đây phải là tái cơ cấu nền kinh tế, mà hiểu theo nghĩa thực là thay đổi hệ thống, cơ chế phân bổ nguồn lực, để thị trường hoạt động hiệu quả. Thay vì chúng ta cứ giữ cơ chế xin- cho, rải đều, tham vọng thật nhiều, tiền ít nhưng bơm vốn lung tung lên cả. Thay đổi cách tăng trưởng, nước nghèo mà tăng trưởng dựa vào vốn mà không dựa vào lao động kỹ năng là không ổn… Cái giải pháp cơ bản làm như vậy.

Đứng về tầm nhìn chiến lược, để bước sang nhịp tăng trưởng mới, cái chính phải là tái cơ cấu theo nghĩa đấy,  mà đến nay chúng ta chưa khởi động một cách mạnh mẽ. Để giải quyết vấn đề dài hạn, phải giải quyết vấn đề ngắn hạn. Nền kinh tế trong ngắn hạn đang khủng hoảng cần phải giải quyết và kiểm soát không thể để lâm vào tình trạng sụp đổ. Những vấn đề ngắn hạn như nợ xấu, như hoạt động của DN ốm yếu quá, cạnh tranh quốc tế… cần cố gắng đến mức nào đó đừng để làm tồi tệ hơn. Các giải pháp ngắn hạn này cần đồng bộ với các giải pháp dài hạn…

Xin cám ơn ông!

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2012 đã tăng 0,63% so với tháng trước.So với tháng 12-2011, CPI tăng lên mức 2,86%, (trong tháng 7, con số này là 2,22%). nhưng nếu so với 8 tháng đầu năm 2011, CPI đã tăng 10,41%.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 8/2012, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục giảm với mức giảm lần lượt là -0,43% và -0,27%. Ăn uống ngoài gia đình có mức tăng nhẹ 0,35%. Đáng lưu ý trong tháng 8-2012, nhiều mặt hàng liên quan chặt chẽ đến đời sống người dân lại tăng khá mạnh, như nhà ở - vật liệu xây dựng tăng 2,03%, thuốc và dịch vụ y tế tăng đến 5,4%, trong đó riêng dịch vụ y tế tăng 7,71%, nhóm hàng giao thông tăng 1,07%.

Tiến Cường

Đọc thêm