Cử hành trọng thể Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Từ 7h hôm nay, ngày 6/10, Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cử hành  tại Hà Nội và TP HCM. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, làm Trưởng Ban Lễ tang.
Cử hành trọng thể Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Đúng 7h, Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại được cử hành trọng thể trong nền nhạc trầm buồn "Hồn tử sĩ", Nhà tang lễ Quốc gia. Lễ viếng đồng chí Đỗ Mười được cử hành trong không khí trang nghiêm, xúc động.

Quàn tại vị trí trang trọng nhất, chính giữa đài lễ, linh cữu đồng chí Đỗ Mười được phủ Quốc kỳ đỏ thắm.

 

Trong niềm tiếc thương vô hạn, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu vào viếng đồng chí Đỗ Mười.
Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Tiếp đó, Đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, do đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên TƯ Đảng, quyền Chủ tịch nước làm trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười. 

Đoàn Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười. Vòng hoa của Đoàn Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam mang dòng chữ Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười.

Đoàn Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn vào viếng đồng chí Đỗ Mười.

Đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do ôngTrần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, làm trưởng đoàn vào viếng. 

Vòng hoa các đoàn có dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười".

Sau khi kính cẩn dâng hương, các đoàn đi quanh linh cữu chào tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.  Các thành viên trong đoàn chia buồn cùng gia quyến cố Tổng Bí thư.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động viết sổ tang: 

"Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người đảng viên cộng sản rất mực kiên trung, suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí.

Nguyện mãi mãi học tập và noi theo tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của Đồng chí.

Xin vĩnh biệt Bác Đỗ Mười kính mến!

Xin gửi đến toàn thể gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng to lớn này".

 
Đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Đoàn Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam viếng đồng chí Đỗ Mười.
Đoàn Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam viếng đồng chí Đỗ Mười.
Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết sổ tang:

"Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười, Nguyên Tổng Bí thư BCH TW Đảng, Nguyên Cố vấn BCH TW Đảng.

Đồng chí Đỗ Mười, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà lãnh đạo xuất sắc uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Hơn 80 ăm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, ở vị trí nào, đồng chí cũng để lại những dấu ấn sâu sắc. Đồng chí Đỗ Mười, một tác phong lãnh đạo quyết liệt, mạnh mẽ, mẫn cán, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Đồng chí có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Xin chia buồn cùng gia quyến.

Xin vĩnh biệt đồng chí".

Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viết:

“Kính thưa anh linh bác Đỗ Mười – người cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam! Sự ra đi của bác để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho Đảng, nhà nước và đông đảo nhân dân Việt Nam. Chúng cháu nguyện nỗ lực công tác tốt, nỗ lực xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kính mong bác an nghỉ!”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết:

"Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – Người chiến sĩ cộng sản trung kiên, một nhân cách lớn, mẫu mực về phong cách, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; một nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân.

Trọn đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Đỗ Mười đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Chính phủ, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên từng cương vị công tác và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước ta, nhất là phát triển công nghiệp nặng và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đặc biệt, với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ “Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước”, đồng chí đã mở ra thời kỳ đối ngoại mới, tạo nên những bước tiến có tính đột phá trong quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Đồng chí mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Xin gửi đến gia quyến đồng chí lời chia buồn sâu sắc nhất.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Đỗ Mười".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết:

"Với lòng tiếc thương vô hạn, xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, người lãnh đạo đức độ, mẫu mực, tài năng, kiên trung của Đảng. Cả cuộc đời người đã cống hiến vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Bác Đỗ Mười ơi, thế hệ đi sau mãi mãi ghi nhớ công ơn của Bác. Xin thắp nén hương thơm tiễn đưa Bác về nơi yên nghỉ vĩnh hằng".

Đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn, viếng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Ngọc Thành/VnExpress.
Đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn, viếng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Ngọc Thành/VnExpress.
Đoàn Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an do Bộ trưởng, Thượng tướng Tô Lâm dẫn đầu vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Ngọc Thành/VnExpress
Đoàn Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an do Bộ trưởng, Thượng tướng Tô Lâm dẫn đầu vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Ngọc Thành/VnExpress

Lãnh đạo các Bộ, hàng trăm Đoàn các cơ quan, đoàn thể lần lượt vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

 

Cùng thời điểm, tại Hội trường Thống Nhất TP HCM, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM..., do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu vào viếng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Sau đó là các đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Bộ Công an phía Nam, Văn phòng Trung ương Đảng...

 Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân viết sổ tang:

"Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Đồng chí Đỗ Mười, chúng ta nguyện học tập tấm gương của Đồng chí, không ngừng nỗ lực phấn đấu, gần dân, sát dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết và tinh thần sáng tạo của Nhân dân, xây dựng TP HCM phát triển nhanh, bền vững với tinh thần cùng cả nước, vì cả nước.

Xin gửi đến gia quyến Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam lời chia buồn sâu sắc nhất".

 
 
 
Ảnh: Zing.vn
Ảnh: Zing.vn

Trước 7h, tại nhà tang lễ quốc gia, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có mặt ở Nhà tang lễ để chuẩn bị bắt đầu lễ viếng chính thức.

Đoàn gia quyến, họ hàng hàng trăm người đầu đội khăn tang xếp hàng chuẩn bị vào viếng; phía sau là hàng dài các đoàn khác...

Đoàn Văn phòng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào viếng đồng chí Đỗ Mười. Ảnh: VOV.
Đoàn Văn phòng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào viếng đồng chí Đỗ Mười. Ảnh: VOV.
Đoàn gia đình vào viếng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Đoàn gia đình vào viếng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Từ 5h30, an ninh trên các tuyến phố dẫn vào Nhà tang lễ quốc gia được thắt chặt bằng các chốt cảnh sát.

Linh cữu đồng chí Đỗ Mười quàn tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười từ 7h hôm nay đến 7h30 ngày 7/10 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và Hội trường Thống Nhất TP HCM.

Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười tổ chức vào 9h, ngày 7/10, tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và Hội trường Thống Nhất TP HCM.

Lễ an táng từ 13h cùng ngày tại quê nhà, Khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Trong hai ngày Quốc tang (ngày 6/10 và 7/10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Zing.vn đưa tin, trong các ngày 4-5/10, để phù hợp với lịch làm việc của sở tại và đoàn ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tổ chức trọng thể lễ viếng và mở sổ tang nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Đại diện các cơ quan chính quyền Mỹ, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Washington D.C. đã đến viếng và ký sổ tang, trong đó có quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Patricia Mahoney; đại sứ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Cuba..., đại diện đại sứ quán các nước Nga, Australia và nhiều nước khác; lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và đông đảo bà con người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Washington D.C. và vùng phụ cận.

Ngày 5/10, Đại sứ quán Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Đức, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ... cũng đã tổ chức trọng thể lễ viếng và mở sổ tang.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23h12, ngày 01/10/2018 (tức ngày 22/8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ ĐỖ MƯỜI

Đồng chí Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống), sinh ngày 02/02/1917; quê quán: Xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Thường trú tại số nhà 11, phố Phạm Đình Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1936; vào Đảng tháng 6/1939.

Năm 1936, đồng chí tham gia phong trào Mặt trận Bình dân.

Năm 1937, đồng chí tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai.

Năm 1938, đồng chí về quê hoạt động, vào Công hội, vận động phong trào ủng hộ Liên Xô; tháng 6/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở Nhà tù Hà Đông và Nhà tù Hoả Lò, Hà Nội.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí vượt ngục Hoả Lò, bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động, được phân công về tham gia Ban khởi nghĩa Tỉnh uỷ Hà Đông, phụ trách phong trào cách mạng huyện Ứng Hoà và Mỹ Đức, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông.

Đầu năm 1946, đồng chí làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam. Cuối năm 1946, làm Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Nam Định.

Năm 1947 - 1949, đồng chí làm Khu uỷ viên Khu III, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình.

Năm 1950, đồng chí làm Phó Bí thư Liên Khu uỷ, kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III, Chính uỷ kiêm Tư lệnh Liên khu III.

Năm 1951 - 1954, đồng chí làm Bí thư Khu uỷ khu Tả Ngạn Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính và Chính uỷ Quân khu Tả Ngạn Sông Hồng.

Năm 1955, đồng chí chỉ đạo tiếp quản Khu 300 ngày, Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố Hải Phòng. Tháng 3/1955, đồng chí được bầu bổ sung Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1956,  đồng chí làm Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp.

Năm 1958, đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Nội thương.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương.

Năm 1967 - 1968, đồng chí làm Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ.

Năm 1969 - 1973, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước. Năm 1973, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương và chống phong toả Cảng Hải Phòng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), đồng chí được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách các khối: Xây dựng cơ bản, Công nghiệp, Vật tư, Cải tạo công thương nghiệp và phân phối lưu thông.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách các khối: Xây dựng cơ bản, Công nghiệp, Vật tư.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tháng 6/1988, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), đồng chí tiếp tục được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân uỷ Trung ương.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), đồng chí tiếp tục được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân uỷ Trung ương.

Tháng 12/1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khoá VIII, đồng chí xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Tổng Bí thư; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến năm 2000.

Đồng chí là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá III, IV, V, VI, VII, VIII; Uỷ viên Bộ Chính trị dự khuyết khoá IV; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá V, VI, VII, VIII; Thường trực Ban Bí thư khoá VI; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 6/1988 đến tháng 6/1991); Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997). Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ năm 1997 đến năm 2000). Đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V, VI, VII, VIII và IX.

Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đọc thêm