Sáng qua, Cụ Rùa xuất hiện gần khu vực đền Ngọc Sơn với nhiều vết thương trên mai và đầu, sau đó cụ cắn vào hai ống cao su nối từ bờ ra Đền. Trước đó, ngày 9/2/2011, Cụ Rùa nổi 2 lần ở phía nhà Thủy Tạ và gần trụ sở báo Hà Nội Mới, trên người có những vết thương màu trắng, loang lổ.
Còn từ ngày mồng 1 Tết (3/2) đến 6 Tết (8/2), cụ nổi nhiều lần ở nhiều vị trí khác nhau trong Hồ Gươm; đặc biệt trưa mồng 6 Tết cụ dừng cố định ở phía đường Lê Thái Tổ, gần trụ sở báo Hà Nội Mới hơn 3 giờ liền, từ 10h30 đến gần 14h, cứ khoảng 10-15 phút cụ lại ngoi đầu lên trong ít giây rồi lại lặn xuống.
Theo quan sát của PGS-TS Hà Đình Đức, Cụ Rùa dài khoảng 1,8 - 2,1 m, trông cụ có vẻ mệt mỏi, đầu luôn nghiêng về một phía. Đặc biệt, trên mai đã thành một vệt trắng hồng loang rộng cỡ 30-40 cm, dài theo cả chiều dọc sống mai (về vệt loang này, PGS-TS Hà Đình Đức thận trọng cho rằng, có thể chỉ là vệt nấm mốc), đồng thời phần thịt mềm hai bên mai có thêm những vết lở loét mới ngày một lan rộng.
Trước hiện tượng này, chiều 9/2/2011, PGS-TS Hà Đình Đức đo độ sâu nước ở Hồ Gươm cho thấy mực nước rất thấp, chỉ sâu 0,4 - 0,6 m, hạn hữu mới có chỗ sâu 0,9 đến 1,2 m. Ông Đức đánh giá: “Nước nông như thế rất dễ bị ô nhiễm, nhất là ngày ông Công ông Táo về chầu Trời vừa qua có rất nhiều người đã thả tro và cá bệnh xuống hồ”.
Cũng theo ông Đức, nên chăng rất cấp thiết tìm cách chữa bệnh cho Cụ Rùa Hồ Gươm, tìm xem những vết loét đó do đâu?. Có phải rùa tai đỏ đang gặm dần thịt trên mai cụ, hay môi trường ô nhiễm đã làm cụ ghẻ lở?. Nếu không tiếp cận khám bệnh và chữa trị cho cụ thì khó có thể lường được hậu quả. Đồng thời có thể tìm cách nâng mực nước Hồ Gươm cao hơn và bảo vệ môi trường trong sạch hơn.
Ông Đức cho biết thêm, trong tháng 2 này, các nhà khoa học sẽ cùng họp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội để bàn cách cứu chữa cho Cụ Rùa - một báu vật quý hiếm và duy nhất, thiêng liêng nhất của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn vật.
Tổng hợp một số hình ảnh về Cụ Rùa Hồ Gươm thường xuyên nổi lên kêu cứu trong dịp đầu xuân Tân Mão này.
Trong một số ngày đầu xuân Tân Mão, Cụ Rùa Hồ Gươm thường xuyên ngoi lên mặt hồ... kêu cứu? |
Những vết thương trên gờ mai, nghi do rùa tai đỏ tấn công Cụ?
Các vết lở loét trên lưng và trên cổ Cụ nguy cơ loang rộng |
Vết thương trên thân thể Cụ Rùa có nguy cơ lở loét, tổn thương trầm trọng hơn. |
Hình như Cụ Rùa "đang có kế hoạch tìm đường thoát khỏi" Hồ Gươm??? |
Đầu tháng 4/1968, một Cụ Rùa Hồ Gươm cũng nổi lên kêu cứu khi mang trên mình một vết thương thủng mai đang rỉ máu nhưng do không được cứu chữa kịp thời nên đã chết vào ngày 8-4-1968, xác ướp giờ đây được để tại Đền Ngọc Sơn. Một Cụ rùa khác cũng đã bị một vết thương nặng, chết nổi lên, người ta vớt xác, lấy lại bộ xương và hiện đang bảo quản tại chùa Hưng Ký (Hoàng Mai- Hà Nội). Cụ Rùa hiện tại đang là Cụ Rùa có tuổi thọ lâu nhất (khoảng 700 năm) đang ở trong tình trạng nguy kịch trầm trọng nhưng vẫn chưa có biện pháp nào cứu chữa của những người có trách nhiệm./. |
Trọng Anh (tổng hợp)