“Của chồng, công vợ” mà vẫn dễ trắng tay

(PLVN) - Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên cả vợ và chồng đã được quy định trong Luật Đất đai, nhưng cho đến nay tỷ lệ sổ đỏ đứng hai tên ở nhiều địa phương, đặc biệt vùng nông thôn vẫn còn thấp khiến người vợ chịu rất nhiều thiệt thòi khi phân chia tài sản, đặc biệt trong các vụ xử ly hôn. Nguyên nhân vì sao?
Ảnh minh họa

Bị luật tục và tự ti cản trở 

Quy định GCNQSDĐ phải được ghi tên của cả chồng và vợ đã được cụ thể hóa tại Luật Đất đai 2003 và đến Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013 lại tiếp tục đề cập đến vấn đề này. Đây được xem là bước tiến bộ, cải thiện sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận và quản lý đất đai. Quy định này cũng đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ quyền nếu 2 bên xảy ra mâu thuẫn, ly dị, và phân chia tài sản. Tuy nhiên, trong thực tế thì việc đứng tên trong sổ đỏ cùng chồng với đa số chị em phụ nữ vẫn còn khá xa vời.

Chị Trần Thị Mỹ L., ở ấp Thạnh Hưng, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có 7.000 m2 đất nông nghiệp muốn chuyển đổi sổ đỏ từ một tên sang hai tên nhưng lại không dám đề xuất với chồng. “Nếu nói ra thì sợ chồng cho là mình gây chuyện để giành quyền đất đai. Nhiều vấn đề tôi cũng đề xuất với chồng đều bị gạt đi vì cho rằng luật tục không có chuyện phụ nữ ngang hàng chồng, trong khi đó, đất đai lại là vấn đề lớn nên càng khó khăn hơn”, chị L. cho biết. 

Trường hợp của chị Trần Thị Mỹ L ở Vĩnh Long đã được nhóm nghiên cứu của Liên minh đất đai (LANDA) ghi nhận trong quá trình thực hiện cấp GCNQSDĐ hai tên tại ba tỉnh: Hòa Bình, Quảng Trị và Vĩnh Long. Năm 2014 kết quả cuộc khảo sát do LANDA thực hiện tại các tỉnh Hòa Bình và Ninh Thuận cũng cho thấy, tỷ lệ GCNQSDĐ có tên phụ nữ là rất thấp. Tại huyện Tân Lạc và Lạc Sơn của Hòa Bình chỉ có 

0.8% và 10% số GCN có cả hai tên vợ và chồng. Theo kết quả khảo sát, có nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ là do người dân thiếu thông tin về vấn đề này, một phần do cơ quan chính quyền địa phương chưa thực hiện nghiêm túc về Luật Đất đai trong cấp sổ đỏ 2 tên. Tại nhiều địa phương, cán bộ địa chính xã, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chưa chủ động hướng dẫn cho người dân về GCNQSDĐ mang cả tên vợ và chồng, thậm chí có nơi còn thờ ơ, cho rằng việc GCNQSDĐ ghi một tên hay hai tên không có gì là quan trọng. Vì vậy, người dân ít chủ động đi cấp đổi GCNQSDĐ từ một tên thành hai tên.

Bên cạnh đó là sự tự ti của chính những người phụ nữ, không ít người cho rằng đàn ông là trụ cột nên chỉ cần chồng đại diện đứng tên trong sổ đỏ là đủ. Một số khác cho biết họ nghĩ rằng chỉ có chồng là chủ hộ mới được đứng tên trong GCNQSDĐ. Thông tin từ Hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên cho thấy thực tế tỷ lệ sổ đỏ có cả tên vợ và chồng ở Thái Nguyên còn khá thấp, đặc biệt ở những vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Có nơi tỷ lệ sổ đỏ 2 tên chỉ đạt 5%, do đa số phụ nữ chưa nhận thức được quyền lợi của mình, nhiều người còn tự ti cho rằng chủ hộ bao đời nay là nam giới nên không dám lên tiếng.

Cần mang tính bắt buộc thay vì “nếu có yêu cầu”

Như vậy, có thể thấy trên thực tế việc đứng tên trong sổ đỏ cùng chồng với đa số chị em phụ nữ vẫn còn khá xa vời vì nguyên nhân luật tục và sự tự ti của chính người phụ nữ. Hệ lụy kéo theo của vấn đề này rất lớn vì nếu người chồng (chủ hộ) đứng tên một mình trong GCNQSDĐ cũng có nghĩa là người chồng được quyết định với tài sản luôn được xem là có giá trị lớn nhất đối với mỗi gia đình. Trường hợp khi người chồng muốn chuyển quyền sử dụng đất, người vợ lúc này sẽ không có nhiều cơ hội thực hiện quyền tham gia của mình hoặc chỉ tham gia lấy lệ. Đặc biệt, khi vợ chồng ly hôn, người vợ cũng sẽ gặp nhiều rắc rối, thiệt thòi trong phân chia tài sản. Khi người chồng chẳng may qua đời, việc làm ăn kinh doanh thất bát thì người vợ cũng không thuận lợi trong việc bảo vệ tài sản của mình và con cái. Không ít trường hợp người vợ bị cả gia đình chồng đòi lại tài sản đang thuộc người chồng đã mất đứng tên.  

Mặt khác, quy định của pháp luật về việc ghi tên vợ chồng trên GCNQSDĐ hiện hành cũng đã và đang bộc lộ sự bất cập góp phần làm cho việc phụ nữ có tên trong sổ đỏ vẫn còn nhiều khó khăn. 

Cụ thể, Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định: “…phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người; …được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, nếu có yêu cầu”.

Phân tích về hai cụm từ “có thỏa thuận” và “nếu có yêu cầu”, tại hội thảo khoa học “Cơ sở của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013” do ĐH Luật Hà Nội tổ chức tháng 10/2020, TS. Phạm Thu Thủy – Khoa Pháp luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội đánh giá những quy định này vô hình trung đã làm mất đi ý nghĩa của quy định giấy chứng nhận phải ghi cả họ tên vợ và họ tên chồng, bởi làm cho nó trở nên không mang tính bắt buộc, vì theo quy định của luật “nếu có yêu cầu”, “có thỏa thuận” thì có thể ghi tên một người. Bên cạnh đó, những trường hợp lịch sử để lại mà giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người, thì cũng không quy định bắt buộc là phải cấp đổi (theo đúng nguyên tắc ghi tên cả hai vợ chồng là Luật Đất đai năm 2013 đã quy định), mà lại là “được cấp đổi nếu có yêu cầu”.

Theo TS. Thủy, do đặc điểm của quan hệ hôn nhân là xuất phát từ tình cảm, sự yêu thương gắn bó với nhau trong gia đình. Vì vậy, vợ chồng thường tự nguyện sử dụng các tài sản chung và riêng, miễn sao đảm bảo hạnh phúc gia đình, đặc biệt là người phụ nữ luôn chấp nhận hy sinh. Điều đó dẫn tới hậu quả khi xảy ra tranh chấp thì việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung hay tài sản riêng vợ chồng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc xác định tài sản chung hay tài sản riêng vợ chồng là điều rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến trực tiếp đời sống của mỗi bên vợ chồng sau ly hôn, đặc biệt là phụ nữ. Khi hôn nhân không còn tồn tại, cuộc sống của người phụ nữ sẽ bị đảo lộn, không những chịu những tổn thương về mặt tinh thần, bị mất thăng bằng trong cuộc sống mà còn bị áp lực về kinh tế trong nhiều trường hợp. Do vậy, người phụ nữ có thể khó thích nghi với điều kiện mới để ổn định cuộc sống. 

“Vì thế cần đảm bảo sự công bằng trong phân chia tài sản để có chỗ dựa về mặt kinh tế cho họ, điều đó cho thấy sự cần thiết của việc bắt buộc phải có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thay vì “có thỏa thuận” và “nếu có yêu cầu”, một khi đó là tài sản chung vợ chồng” - TS. Thủy nhấn mạnh.

“Từ xa xưa, khi đánh giá bình đẳng về công sức xây dựng gia đình đã có câu: “Của chồng, công vợ”.  Thành ngữ mới cũng có câu rất hay về bình đẳng gia đình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Trong gia đình truyền thống, phụ nữ chưa được hưởng sự bình đẳng vì phụ thuộc nhiều vào chồng con. Ngày nay, trong gia đình không còn hiện tượng trọng nam khinh nữ như xưa. Sự tôn trọng giới tính, bình đẳng giới đang trở nên phổ biến. Người phụ nữ được bình đẳng, được phát huy mọi sở thích khả năng để làm chủ gia đình và gánh vác công việc xã hội. Vị thế phụ nữ gia đình được đánh giá cao ngang hàng với nhau về giới, đó là bước tiến lớn của bình đẳng giới, bình đẳng trong gia đình” – Trích Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình – Bộ VH-TT&DL.

Đọc thêm