Cuba tên gọi chính thức là Cộng hòa Cuba. Được biết đến là một đất nước xinh đẹp, Cuba bao gồm đảo Cuba (hòn đảo hình con cá sấu vươn dài trên biển Caribe, cũng là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Đại Antilles), cùng với đảo Thanh Niên và các đảo nhỏ xung quanh.
Quốc đảo nổi tiếng về xì gà
Cuba là quốc gia đông dân nhất vùng Caribe, với dân số khoảng 11 triệu người và lấy tiếng Tây Ban Nha làm ngôn ngữ. Nơi đây có khí hậu nhiệt đới nhưng bị điều hòa bởi vùng biển bao quanh; tuy nhiên vì nhiệt độ cao của Biển Caribe và địa thế hầu như chắn ngang Vịnh Mexico, Cuba hằng năm thường phải hứng chịu những trận bão lớn.
Văn hóa Cuba chịu nhiều ảnh hưởng khi tiếp thu và hòa nhập nhiều nền văn hóa, chủ yếu từ Tây Ban Nha và châu Phi. Đất nước này cũng rất đa dạng về tôn giáo, theo khảo sát vào năm 2010, Cuba có khoảng 59,2% dân số theo Kitô giáo (trong đó đa số là Công giáo Rôma), 23,0% không tôn giáo, 17,4% theo các tín ngưỡng dân gian (như Santería) và còn lại 0,4% theo các tôn giáo khác.
Cuba rất nổi tiếng về xì gà, nó không chỉ góp phần phát triển nền kinh tế của nước này mà còn trở thành một biểu tượng văn hóa đối với người Cuba. Xì gà Cuba có hơn 500 năm lịch sử, được coi là đặc sản của đất nước này và xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Lễ cưới thể hiện giá trị gia đình
Nền văn hóa của Cuba rất đa dạng và độc đáo, trong đó phải kể đến văn hóa cưới xin. Được biết, phần lớn những cặp vợ chồng Cuba đến với nhau do sự lựa chọn của mình mà không phải do cha mẹ sắp đặt, nhưng họ cũng rất cẩn thận để đảm bảo rằng sự lựa chọn của mình có thể làm hài lòng và nhận được sự chấp thuận của cha mẹ. Cha mẹ cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất để con cái có thể tìm được một nửa phù hợp nhất với họ.
Không chỉ thế, lễ cưới của người Cuba là sự thể hiện giá trị của gia đình. Hay nói cách khác, lễ cưới không chỉ là niềm vui vủa một cặp vợ chồng mà còn là nơi tình cảm gia đình và bạn bè được đặt lên trên hết.
Trong lễ cưới đồ trang trí, hoa, váy cô dâu thường lấy màu trắng làm tông chủ đạo, để thể hiện rằng cô dâu là một trinh nữ. Nếu cô dâu đó vẫn là một trinh nữ cô sẽ mặc bộ váy cưới màu trắng, còn nếu không phải cô có thể lựa chọn máu váy khác. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ Cuba kết hôn ở độ tuổi 14-17, trong khi những người đàn ông đã kết hôn ở độ tuổi 17-18, do đó rất ít trường hợp cô dâu không phải là trinh nữ.
Những cặp vợ chồng Cuba được ghim tiền mừng trong ngày cưới của mình. |
Bắt nguồn từ Ba Lan
Đám cưới của mỗi cặp vợ chồng thường được tổ chức rất long trọng, chủ yếu là sự góp mặt của toàn bộ các thành viên họ hàng, bạn bè, thông thường ít nhất là từ 50-100 người hoặc có thể nhiều hơn.
Tuy nhiên, số lượng khách mời cũng phải dựa vào kinh tế của gia đình cô dâu, bởi theo truyền thống gia đình của cô dâu sẽ phải trả tiền cho đám cưới. Cha mẹ của cô dâu và chú rể thường sẽ tặng những món quà rất lớn và có giá trị cho cặp vợ chồng.
Lý giải về việc cha mẹ cô dâu phải trả mọi chi phí cho đám cưới là bởi vì ở đất nước Cuba, phụ nữ không được thừa hưởng tài sản hoặc có tài sản riêng. Việc làm này giống như của hồi môn mà cha mẹ có thể bù đắp phần nào cho con gái của họ, để cô gái có thể tự tin hơn khi về với gia đình mới, cuộc sống mới.
Trong nghi thức cưới hỏi của người Cuba, vũ điệu tiền được cho là nét văn hóa độc đáo nhất. Được biết, vũ điệu tiền này có nguồn gốc từ Ba Lan từ những năm 1900, sau đó phổ biến ở rất nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Mexico, Hungary, Ý, Hi Lạp, Ukraine, Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha... trong đó có cả Cuba.
Theo truyền thống, tiệc cưới sẽ tràn ngập âm nhạc và những điệu múa, những người thân yêu trong gia đình luôn được khuyến khích nhảy múa trong tiếng nhạc để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Những bản nhạc, điệu múa thường là những chủ đề về tình yêu, tình cảm gia đình...
Với mỗi điệu múa, cặp vợ chồng phải lựa chọn một bài hát thật ý nghĩa và phù hợp với khung cảnh để cho khách mời không cảm thấy chán và luôn hào hứng trước mỗi điệu nhảy.
Trong lễ cưới, khoảnh khắc mà mọi người mong đợi nhất là điệu nhảy của cô dâu và chú rể. Thường thì nhiều cặp vợ chồng lựa chọn một điệu nhảy đơn giản, chậm dãi, lắc lư cùng tiếng nhạc du dương và thể hiện sự hạnh phúc của mình trong vòng tay nhau.
Sau đó, cô dâu có thể lựa chọn những người đàn ông trong gia đình nhà chồng để khiêu vũ, đó có thể là bố chồng, ông nội, chú... Còn chú rể thì mời mẹ vợ lên nhảy cùng. Tất cả mọi người trong gia đình đều được mời lên sàn nhảy, đây có lẽ là thời điểm tuyệt vời nhất khi các con có thể cùng cha mẹ mình chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc của mình.
Khi nhảy xong với gia đình, cô dâu chú rể sẽ nhảy với khách mời, cô dâu thì nhảy với khách mời nam, chú rể nhảy với khách mời nữ, chủ yếu đó là bạn bè của họ.
Những khách mời nhảy với cô dâu chú rể thường sẽ ghim một ít tiền lên váy cưới của cô dâu để chúc phúc và là món quà cưới mong cô dâu sẽ luôn hạnh phúc và gặp nhiều may mắn khi bắt đầu cuộc sống mới với người chồng của mình. Cặp vợ chồng trẻ cũng có thể dùng số tiền đó cho tuần trăng mật ngọt ngào của mình.
Khi nhận được tiền chúc phúc từ những người bạn nhảy của mình, cô dâu chú rể thường sẽ có một món quà nho nhỏ, coi đó như một lời cảm ơn khi họ đã dành thời gian đến dự lễ cưới. Những món quà thường là mặt hàng thủ công hoặc một đồ vật nào đó có khắc tên cô dâu chú rể. Những gia đình giàu có hơn thì tặng một điếu xì gà thật đẹp và thật ngon cho khách mời của mình.
Sống cùng bố mẹ
Sau khi tổ chức xong lễ cưới xong, các cặp vợ chồng và bố mẹ thường sẽ cùng nhau bàn bạc về chuyện cuộc sống của hai người sau khi kết hôn. Thông thường ở Cuba, các cặp vợ chồng thường lựa chọn việc sống chung với cha mẹ chồng.
Tuy nhiên, việc lựa chọn sống chung với cha mẹ chồng cũng phải dựa vào một số yếu tố như số lượng phòng trong nhà, số lượng anh chị em, kể cả những anh chị em đã kết hôn. Một gia đình người Cuba có rất nhiều thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà và ngôi nhà ấy sẽ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nếu gia đình đó chỉ có một người con thì mọi chuyện hoàn toàn đơn giản, cặp vợ chồng dĩ nhiên sẽ cùng chung sống với cha mẹ mình. Nhưng trong gia đình có nhiều con cái, người đầu tiên kết hôn thường sẽ về sống chung cùng cha mẹ và anh chị em.
Sau đó, khi những anh chị em khác lập gia đình thì người đầu tiên kết hôn sẽ phải chuyển ra ngoài ở. Việc này sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi tất cả các anh chị em trong gia đình kết hôn hết và sau cùng người anh cả thường sẽ tập hợp anh chị em lại và cùng chung sống nhưng không bắt buộc.
Ở Cuba, luật pháp cấm những cặp đôi có mối quan hệ họ hàng không được phép kết hôn. Đặc biệt, việc ly hôn ở nước này thuộc dạng không phổ biến, do đó các bà mẹ đơn thân thường bị mọi người coi thường, là một sự nhục nhã của gia đình...