Cục Đăng kiểm đề xuất thêm đối tượng được kiểm định xe cơ giới

(PLVN) -  Trong báo cáo gửi Bộ GTVT mới đây, Cục Đăng kiểm cho biết sẽ đề xuất một số nội dung cần sửa đổi trong việc thành lập trung tâm đăng kiểm (TTĐK); công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ hoạt động kiểm định; kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới...
Cảnh sát thu thập tài liệu tại TTĐK 9201D thuộc Cty CP Đăng kiểm Quảng Nam.

Nhiều đề xuất mới

Một số cơ chế mới sẽ được Cục Đăng kiểm nghiên cứu áp dụng như miễn kiểm định lần đầu với xe mới; tăng cường vai trò thanh, kiểm tra, xử phạt của lực lượng thanh tra, CSGT trong hoạt động kiểm định; tăng cường phân cấp quản lý cho các cơ quan địa phương...

Cục Đăng kiểm cũng đang nghiên cứu, xây dựng phương án để cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ôtô cấp 3S, 4S của các nhà sản xuất ôtô chính hãng được thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới.

Trước đó, cuối 2022, Cục Đăng kiểm được Bộ GTVT giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư trong lĩnh vực kiểm định và trình Bộ trong tháng 5/2023.

Tuy nhiên, do những bất cập được phát hiện trong lĩnh vực, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm tập trung biên soạn dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, trình gấp lên Bộ GTVT trong tháng 2.

Thông tư 16/2021 quy định chi tiết về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với ôtô. Đây là hành lang pháp lý cần phải điều chỉnh nếu Cục Đăng kiểm muốn triển khai những cơ chế mới như việc miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu với ôtô xuất xưởng.

Sau gần 2 tháng từ khi bùng phát bê bối trong lĩnh vực đăng kiểm, Cục Đăng kiểm cho biết tình trạng quá tải tại các TTĐK ở Hà Nội và TP HCM đã “hạ nhiệt”.

Tại Hà Nội có 19 TTĐK đang hoạt động và 12 TTĐK dừng hoạt động. Trong đó, các TTĐK cho biết đến 17h đã xử lý hết xe, không còn tình trạng quá tải.

Tại TP HCM, 12 TTĐK đang hoạt động và 7 dừng hoạt động. Tình trạng quá tải cũng không còn. Một số TTĐK ghi nhận xe đến đăng kiểm chỉ ở mức thấp.

Tính đến 17h ngày 30/1, cả nước có 243 TTĐK đang hoạt động và 37 dừng hoạt động. Trong đó, 29 TTĐK dừng hoạt động do liên quan đến sai phạm và đã bị công an điều tra, khởi tố; 2 TTĐK dừng do đang trong quá trình điều tra; 6 TTĐK dừng do không đủ điều kiện hoạt động.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm cho biết đã chỉ đạo các đơn vị không làm việc máy móc hoặc lợi dụng để làm khó người dân khi đến kiểm định; nhân lực ngành phải nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp, phát huy tính sáng tạo, tìm ra các giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc, khó khăn, phiền hà.

Để bù đắp lượng nhân lực thiếu hụt do vướng lao lý, Cục Đăng kiểm sẽ tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực đăng kiểm viên để bổ sung, thay thế cho các TTĐK trong thời gian tới; đồng thời đề nghị TTĐK có chế độ chính sách phù hợp để đảm bảo đời sống cho đăng kiểm viên và nhân viên.

Thêm 3 TTĐK bị phát hiện sai phạm

Liên quan vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, ngày 7/2, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố 13 bị can về các tội Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ liên quan sai phạm tại TTĐK 9201D - Quảng Nam.

Trong số 6 người bị áp dụng biện pháp tạm giam có Đặng Bảo Lâm (Phó Giám đốc phụ trách), Trần Huấn Nhân (Phó Giám đốc trung tâm). 7 bị can còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Qua công tác nắm tình hình, Công an Quảng Nam phát hiện TTĐK 9201D thuộc Cty CP Đăng kiểm Quảng Nam (ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) có nhiều sai phạm trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh.

Khi các phương tiện có lỗi gắn thêm tời, thay cầu xe, thay đổi thiết kế thùng, khối lượng bản thân xe nặng hơn thiết kế ban đầu… chủ phương tiện phải chi 1-2 triệu đồng/lượt kiểm định để bỏ qua lỗi vi phạm, ký duyệt phương tiện đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Trước đó một ngày, Công an tỉnh Nghệ An đã tạm giữ hình sự Nguyễn Quý Khánh (56 tuổi, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An) để làm rõ hành vi Nhận hối lộ.

Công an tạm giữ 12 người khác gồm Nguyễn Trinh Tài (54 tuổi, Phó Giám đốc Trung tâm), Nguyễn Viết Đức (Phó Giám đốc Trung tâm) cùng 4 trưởng các phòng kiểm định, nghiệp vụ; 3 nhân viên đăng kiểm và 3 nghi can môi giới để làm để làm rõ hành vi Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ.

Theo cơ quan chức năng, qua thông tin nắm bắt về dấu hiệu hành vi Đưa, môi giới, nhận hối lộ xảy ra tại TTĐK tỉnh Nghệ An (gồm 2 cơ sở 37-01S và 37-02S), công an xác lập chuyên án điều tra.

Công an xác định việc dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới được các đăng kiểm viên bậc cao và bộ phận kiểm tra hồ sơ ban đầu, thu tiền lệ phí khám xe. Quá trình thực hiện đăng ký, các cán bộ này đã móc nối với một số nghi phạm bên ngoài làm người môi giới, nhận các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đến đăng kiểm.

Với các xe bị các lỗi như không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, cơi nới thành, thùng xe, lốp xe mòn, phanh xe không đảm bảo, đèn xe không đúng quy định… người môi giới sẽ đứng thỏa thuận với chủ xe và người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động đăng kiểm để được cấp chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện.

Tùy vào lỗi vi phạm, ngoài tiền thu theo quy định của Nhà nước, chủ xe còn phải chi 200 ngàn đến 1 triệu đồng trên mỗi phương tiện cho cán bộ đăng kiểm. Số tiền hối lộ được người môi giới kẹp vào các giấy tờ liên quan đưa cho đăng kiểm viên.

Lực lượng chức năng phát hiện bộ phận kiểm tra hồ sơ ban đầu còn móc nối với người môi giới để nhận hối lộ từ các chủ xe số tiền 100 – 300 ngàn đồng để bộ phận hồ sơ bỏ qua các lỗi như: thiếu đăng ký gốc, thiếu giấy hẹn của CSGT, thiếu giấy thế chấp ngân hàng.

Số tiền nhận hối lộ sau đó được Khánh, Đức, Tài và các thuộc cấp chia theo tỷ lệ, vị trí công việc tại TTĐK, định kỳ 2 tuần/lần.

Từ kết quả điều tra, ngày 4-6/2, cảnh sát tiến hành khám xét, tạm giữ hình sự Khánh cùng các thuộc cấp tại 2 cơ sở thuộc TTĐK tỉnh Nghệ An. Khám xét nhà những người liên quan, lực lượng chức năng thu nhiều tài liệu liên quan.

Cơ sở bảo dưỡng ôtô 3S, 4S là những cơ sở lớn của hãng xe được tích hợp nhiều chức năng. Trong đó, trung tâm 3S đáp ứng 3 chức năng: Sales (bán hàng) - Service (dịch vụ sửa chữa) - Spare parts (cung cấp phụ tùng). Cơ sở 4S bổ sung chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng (survey).

Thời gian qua, ý tưởng cho các cơ sở bảo dưỡng của hãng xe tham gia khâu đăng kiểm từng được bàn thảo và gây tranh cãi. Một số người gọi đây là ý tưởng hay, tận dụng được trang thiết bị sẵn có tại các hãng xe. Một số khác lại lo ngại "thẩm quyền kiểm định" sẽ khiến hãng xe làm khó tài xế, ép họ phải sử dụng phụ tùng chính hãng thay vì phụ tùng của bên thứ ba.

Đọc thêm