Ngày ngày họ vẫn nghe qua loa phát thanh, vô tuyến, được nhiều người mang đến để dự thi các cuộc thi trên sóng quốc gia. Phải chăng với động thái cấp phép của Cục như thế thì trước nay đã có rất nhiều người phạm luật?
Trước nay hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là… phạm luật!
Mới đây nhất, bản danh sách được đăng tải với nội dung được cấp phép lưu hành những ca khúc sáng tác trước 1975 có rất nhiều ca khúc nổi tiếng như ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương); Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du); Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (Hoàng Điệp & Phạm Tiến Duật); Hò kéo pháo (Hoàng Vân); Hà Nội - Huế - Sài Gòn (Hoàng Vân & Lê Nguyên); Làng tôi (Văn Cao)...
Bên cạnh đó, là hàng loạt ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh như Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường); Ca ngợi Hồ Chí Minh (Lưu Hữu Phước & Nguyễn Đình Thi); Ca ngợi Đảng Lao Động Việt Nam (Đỗ Minh); Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ). Không những vậy nhiều bài hát ca ngợi Hà Nội và vẻ đẹp quê hương đất nước đã rất quen thuộc với công chúng yêu nhạc cũng được công bố phổ biến rộng rãi như Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh); Bài ca của một người Hà Nội (Huy Du); Bài ca bên sông Hồng (Huy Du & Thanh Nhàn); Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận)…
Ngoài ra, trong quyết định mới nhất số 278/GP-NTBD ngày 17/5/2017 bản danh sách còn nối dài thêm những bất ngờ khi tiếp tục có sự xuất hiện của hàng loạt các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Đêm thấy ta là thác đổ; Xin mặt trời ngủ yên; Nguyệt ca; Người về cũng nhớ; Lời của dòng sông…
Đặc biệt, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” cũng có tên trong bản danh sách. Và đây có lẽ cũng chính là nút thắt khiến nhiều người bất ngờ và bức xúc bởi một ca khúc quá đỗi quen thuộc với bất cứ người nào.
Cần có cách làm việc khác
Nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng và bất ngờ khi nhiều ca khúc cách mạng hào hùng đi cùng năm tháng những tưởng xưa nay hoạt động là điều dĩ nhiên ấy vậy mà giờ mới được cấp phép. Độc giả Trần Quang Định bày tỏ “Xin hỏi có tắc trách chăng? Không hiểu Cục Nghệ thuật biểu diễn đang muốn đi đến điều gì?”.
Trên thực tế, với bản danh sách 324 ca khúc vừa được phổ biến rộng rãi thì rất nhiều tác phẩm đã và đang được trình diễn tại các sự kiện lớn của đất nước, các nghệ sĩ, các thí sinh thể hiện trong các cuộc thi trên sóng quốc gia… Nhiều người dân không khỏi thắc mắc nhiều ca khúc họ vẫn hát thường ngày giờ mới được phổ biến/ cấp phép thì có chăng trước đó đến giờ phạm luật?
Đây được xem như bài học cũng là lần rút kinh nghiệm sâu sắc đối với Cục Nghệ thuật biểu diễn dù trước đó họ cũng đã “rút kinh nghiệm sâu sắc ” một lần rồi với sự kiện tai tiếng về việc thu hồi bài hát. Người dân có thể không quan tâm đến việc xử phạt một ca khúc thị trường, một bộ trang phục phản cảm nhưng họ thật sự để ý đến những ca khúc cách mạng hào hùng, những món ăn tinh thần gắn liền với họ qua biết bao năm tháng.
Để làm được điều đó, đã đến lúc Cục Nghệ thuật biểu diễn cần xem lại cách làm việc của mình, thường xuyên cập nhật liên tục, kịp thời bảng danh mục các bài hát được phép phổ biến, tránh tình trạng, lâu lâu lại xảy ra chuyện ngược đời, những bài hát nổi tiếng của các nhạc sĩ nổi tiếng lại bị mang tiếng là chưa được cấp phép phổ biến
Nhưng dù thế nào thì cũng cần có một cái nhìn đa chiều, nói đúng là cảm thông trước những quyết định “khó hiểu” của Cục Nghệ thuật biểu diễn bởi chính vì lịch sử phức tạp của rất nhiều ca khúc, trong khi đó Cục rất khó có đủ nhân lực và hiểu biết lịch sử để có thể thẩm định cả vạn bài hát sáng tác trước năm 1975.
Đặc biệt, thời điểm này nhu cầu biểu diễn cũng như thưởng thức nhạc phẩm trước năm 1975 hồi sinh mạnh mẽ, tạo sức ép không nhỏ cho cơ quan chức năng. Thế nên việc cấp phép thực sự phải linh động hơn, chỉ nên thẩm định nội dung là chính, cụ thể ở đây là ca từ, còn các vấn đề khác như quyền tác giả, dị bản ca khúc, ký âm bản nhạc có thể thực hiện sau.
Chuyện cấp phép các ca khúc sáng tác trước năm 1975 có lẽ chưa dừng lại ở đây vì có thể danh sách được cấp phép sẽ còn nối dài nữa và cũng sẽ còn nhiều bất ngờ với những ca khúc sẽ xuất hiện trong danh sách nữa. Và để khán giả không khỏi “bất ngờ” trước mỗi cấp phép thì đã đến lúc Cục Nghệ thuật biểu diễn nên có một hướng đi mới, một cách làm thấu tình đạt lý hơn nữa.