Để kiểm tra việc triển khai công tác chống thất thu đối với DN NQD và các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống thương mại, dịch vụ, từ ngày 20-23/9, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam dẫn đầu đoàn công tác của Tổng cục Thuế trực tiếp làm việc với Cục Thuế Hà Nội và một số Chi cục Thuế lớn trên địa bàn Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, ngay sau khi Tổng cục Thuế ban hành Thông báo 7336/TB-TCT và Quyết định 1539/QĐ-TCT, Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai chống thất thu đối với HKD và DN NQD. Các đơn vị trong ngành đã tiến hành kiểm tra 10.840 NNT, trong đó có 9.915 DN NQD và 925 HKD, qua đó đã tăng thu trên 625,4 tỷ đồng. Cụ thể, đối với HKD đã có 858/925 HKD (chiếm 92,7%) có kết quả tăng doanh thu và ấn định mức thuế sau kiểm tra với số tiền tăng 275,6 triệu đồng/tháng. Đối với DN NQD, cơ quan thuế (CQT) các cấp đã truy thu và phạt với tổng số tiền 624 tỷ đồng.
Tại các chi cục thuế, công tác chống thất thu trong lĩnh vực NQD cũng được triển khai quyết liệt. Chi cục Thuế quận Tây Hồ đã thành lập ban chỉ đạo, 4 đoàn kiểm tra chống thất thu HKD, 10 đoàn kiểm tra chống thất thu đối với DN NQD. Chi cục Thuế đã tham mưu cho UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành cùng phối hợp với CQT. Ban lãnh đạo Chi cục Thuế đã chỉ đạo Đội tuyên truyền hỗ trợ xây dựng đề cương, tài liệu tuyên truyền về kế hoạch chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý thuế khoán đối với HKD.
Riêng đối với các DN, HKD trong danh sách kiểm tra chống thất thu thuế, CQT đã tổ chức gặp và tuyên truyền trực tiếp, để tự giác chấp hành. Kết quả từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Thuế đã kiểm tra 199 DN với tổng số tiền thuế truy thu và phạt là 12,381 triệu đồng. Đối với HKD, sau khi được tuyên truyền vận động đã có 239 hộ tự giác điều chỉnh doanh thu với số tiền thuế tăng thêm là 1.055 triệu đồng/tháng (kể từ thời điểm điều chỉnh đến hết 12/2017). Trong năm 2017, Chi cục Thuế Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch kiểm tra 90 HKD. Đến hết tháng 8/2017, CQT đã điều chỉnh thuế đối với 22 hộ có doanh thu tăng từ 50%, trở lên với số tiền thuế tăng 44,6 triệu đồng/tháng.
Với Chi cục Thuế Hai Bà Trưng, để triển khai chống thất thu có hiệu quả, Ban lãnh đạo Chi cục Thuế đã chỉ đạo các đội thuế phân tích thông tin, lựa chọn những đối tượng rủi ro cao để đưa vào diện kiểm tra. Trong đó, đối với HKD CQT tập trung kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn để phát hiện kịp thời các sai phạm, tránh trường hợp nơi lỏng trong quản lý dẫn đến lợi dụng hóa đơn của HKD để hợp thức hóa đầu vào cho các DN sử dụng vốn ngân sách. Đối với DN, CQT căn cứ vào thông tin từ HKD để xác định các DN rủi ro cao để tập trung kiểm tra.
Bên cạnh đó, Chi cục Thuế đã chỉ đạo các đội thuế liên phường thường xuyên rà soát lại các đối tượng đã được kiểm tra chống thất thu của năm 2016 để đánh giá kết quả thực hiện, tránh trường hợp số thuế năm 2017 thấp hơn số thuế sau kiểm tra chống thất thu 2016. Với các giải pháp tích cực, trong gần 9 tháng năm 2017, Chi cục Thuế đã kiểm tra chống thất thu 501/776 DN thuộc diện rủi ro, qua đó đã truy thu và phạt 50,6 tỷ đồng; giảm lỗ 45,4 tỷ đồng; giảm khấu trừ 1,4 tỷ đồng. Đối với HKD CQT đã kiểm tra 4.065 hộ, qua đó điều chỉnh doanh thu khoán thuế tăng 50% đối với 433 HKD, thuế tăng bình quân 211 triệu đồng/tháng và 3.579 HKD có điều chỉnh doanh thu khoán tăng dưới 50% với số thuế tăng bình quân tháng 390 triệu đồng.
Đánh giá hiệu quả công tác chống thất thu thuế của Hà Nội, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam nhấn mạnh, Cục Thuế Hà Nội và Chi cục Thuế Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Long Biên là các đơn vị nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh việc triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp công tác của ngành, các đơn vị đã chủ động tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương, nhiều giải pháp chống thất thu và khai thác tăng thu hiệu quả. Đây cũng là những đơn vị luôn đi đầu trong các dự án thí điểm cải cách, hiện đại hóa quản lý thuế.
Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cũng đã chia sẻ những khó khăn, áp lực, rủi ro của cán bộ thuế trước yêu cầu tăng thu NSNN và cải cách TTHC mà ngành Thuế được giao. Đồng thời lưu ý, công tác thanh tra, kiểm tra tại DN cần phải nhận được sự đồng thuận của NNT và dư luận xã hội. Muốn vậy, Cục Thuế, các chi cục thuế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ để NNT hiểu và hợp tác tích cực với CQT.