Cúi xuống để thấy chính mình

(PLVN) - VFF đã sa thải HLV trưởng Philippe Troussier, người mà nhiều cổ động viên Việt Nam cho rằng phải chịu trách nhiệm chính cho sự đi xuống trầm trọng của đội tuyển quốc gia. Nhưng có bao giờ chúng ta tĩnh tâm sau cơn phẫn nộ thua cuộc rằng sự thụt lùi đó là do nền tảng của chúng ta?
HLV Philippe Troussier ra đi sau thất bại trước Indonesia là 2 trận lượt đi và về tại vòng loại World Cup 2026. (Ảnh: VFF)

Hãy thử phân tích về đội tuyển Việt Nam khi ông Park ra đi với thất bại liên tiếp tại AFF Cup 2020 và 2022. Các cầu thủ Việt Nam có giữ được phong độ hay không? Các cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam gần như không có dấu hiệu tiến bộ nào trong 2, 3 năm vừa qua, thậm chí còn có xu hướng đi xuống, mặc dù đang ở độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp, như: Hoàng Đức, Quang Hải, Văn Toàn, Công Phượng, Tuấn Anh, Tiến Linh... Nhiều cầu thủ hầu như “biến mất” khỏi đội tuyển quốc gia như Xuân Trường, Đình Trọng, Văn Hậu. Phần do chấn thương, phần do phong độ đi xuống.

“Kể cả xếp đội hình chuẩn như người hâm mộ mong muốn, tức là cả Tiến Linh, Quang Hải… họ bị xuống tinh thần rồi, người thầy nào cũng sẽ bị họ gây khó dễ thôi”, theo cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng.

Giải V.League được coi là nền móng của bóng đá nước nhà, nơi lựa chọn các cầu thủ cho đội tuyển quốc gia thì càng ngày chất lượng trận đấu càng đi xuống, tiêu cực “nhan nhản”. Giải đấu không còn hấp dẫn cổ động viên. Các CLB Việt Nam yếu ớt và mong manh khi ra đấu trường quốc tế. Cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài vì hợp đồng thương mại nhiều hơn là thi đấu. Có thể vì trình độ cầu thủ ở V.League từ kỹ thuật, thể lực, sức mạnh, cường độ thi đấu đều chưa theo kịp những nền bóng đá mạnh ở châu Á, chưa nói đến châu Âu.

“Với cầu thủ, họ không được đào tạo từ nhỏ, một cách bài bản, khoa học và đúng đắn, để chơi thứ bóng đá như thế. Họ không có cả bộ kỹ năng lẫn tư duy. Đó là hai thứ rất khó nếu không muốn nói là không thể cải thiện với những cầu thủ quá 23 tuổi, nhất là những người vốn có sẵn niềm tin rằng thứ bóng đá họ chơi bao năm qua là đúng, là công thức thành công.

Nếu để ý một chút bạn sẽ thấy Hùng Dũng hiếm khi nào có một pha vừa đỡ bóng vừa xoay người và rồi chuyền ngay giữa các tuyến của đối thủ. Hoàng Đức hầu như không tung ra được đường chuyền phá tuyến nào. Tiến Dũng thì không dám chuyền xuyên tuyến, không dám kéo bóng lên ngay cả khi có cơ hội. Phần lớn các cầu thủ chuyền bóng theo bản năng, không quan tâm là thời điểm, hướng, tốc độ, điểm đến... có hợp lý hay không...” - nhà báo thể thao Việt Cường bày tỏ.

Ngoài ra, VFF không có giải pháp tìm kiếm nguồn lực cầu thủ gốc Việt chất lượng về thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Chính sách “đóng cửa” hay “mở cửa nhỏ giọt” khiến chúng ta trông chờ vào nội lực yếu ớt, trong khi đó các nền bóng đá như Indonesia, Philippines đã lên kế hoạch rất rõ ràng. Ngoài ra, chất lượng đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam đang rất bấp bênh. Chúng ta đã biết thông tin các cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An bị nợ lương, đời sống bấp bênh, chật chội. Nơi đào tạo trẻ một thời như Hoàng Anh Gia Lai đi xuống, các trung tâm như VPF hay Viettel, Hà Nội FC chưa có nhiều nhân tố nổi bật.

Nhà báo Việt Cường nhấn mạnh thêm, muốn bóng đá ra biển lớn, thoát khỏi “ao làng”, cần “xây dựng những trung tâm huấn luyện chất lượng, đào tạo ra thật nhiều HLV, tuyển trạch viên có bằng cấp và đạo đức, tạo thật nhiều sân chơi để các em thoả sức thể hiện mà không cần quan tâm tới chuyện thắng thua, đưa bóng đá thực sự về các trường học, nơi mỗi giáo viên thể dục đều phải là một HLV đủ trình độ và bằng cấp. Làm được như thế thì sợ gì không đủ người "chơi" bóng. Quan trọng là muốn. Khi đã muốn thì sẽ có đường”.

Đổ lỗi cho người thầy sau thất bại thì dễ, nhưng cúi xuống nhìn thấy chính mình mới là khó.