Theo đó, khoảng 1 tuần trước khi bệnh nhi này nhập viện, gia đình mổ ngan, gà có biểu hiện bệnh để ăn. Ít ngày sau, bệnh nhi ho, sốt, nhập viện với chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Sau 2 ngày điều trị, Bệnh viện Nhi Trung ương xác định bệnh nhi này nhiễm cúm A (H5). Kết quả tương tự cũng được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương công bố sau 7 ngày. Đến ngày 22/10, sau gần 2 tuần nhập viện, bệnh nhi đã được rút nội khí quản, tỉnh táo, tiếp tục được theo dõi chức năng thận để có các biện pháp điều trị phù hợp.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ, xung quanh khu vực nhà bệnh nhi nêu trên sinh sống chưa ghi nhận ca bệnh tương tự. Cơ quan chức năng đang tiếp tục giám sát chặt qua 21 ngày kể từ khi xuất hiện ca bệnh này.
Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay Việt Nam mới ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm A (H5) trên người, số ca mắc tăng cao trong giai đoạn 2003-2010. Trong đó 64 ca tử vong. Tức là tỷ lệ tử vong lên tới 50%. Đây cũng là tỷ lệ chung trên thế giới đối với chủng cúm nguy hiểm này (50-60%).
Năm 2014 có hai trường hợp nhiễm cúm A (H5) tại Bình Phước và Đồng Tháp, đều tử vong, tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Từ đó đến nay là 8 năm không ghi nhận ca nhiễm nào trên người.
Hiện, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định vẫn thường xuyên giám sát cúm A (H5) trên đàn gia cầm nhưng nguy cơ bỏ qua các ổ dịch vẫn cao.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hàng tháng vẫn lấy mẫu xác định xem cúm gia cầm xuất hiện ở đâu để có cảnh báo. Tuy nhiên, vì lý do hạn chế về nguồn lực nên không thể đến từng hộ gia đình lấy mẫu được chỉ tập trung ở 1 số tỉnh (28-30 tỉnh, thành). Tại một số tỉnh đấy thì chỉ tập trung ở những chợ buôn bán gia cầm chứ không thể đến từng hộ gia đình được”.
Các chuyên gia cho biết, người bị nhiễm virus cúm A (H5) chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị nhiễm bệnh. Cúm gia cầm ở người có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như sốt và ho, nặng như viêm phổi nghiêm trọng, khó thở, sốc và thậm chí tử vong. Đặc biệt, bệnh nhân chuyển nặng rất nhanh khi virus tấn công các tạng.
|
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam. |
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, khi mắc bệnh, tình trạng bệnh diễn biến rất nặng dẫn đến tình trạng suy đa tạng.
“Ngoài các biện pháp chúng ta vẫn áp dụng như dùng thuốc kháng virus cúm, nhưng đặc biệt phải dùng sớm. Tuy nhiên hiện nay chẩn đoán sớm, đặc biệt ở các cơ sở y tế còn rất nhiều khó khăn. Khi đã xảy ra cúm A (H5) dẫn đến các cơn bão Cytokine, suy đa tạng. Vì vậy ngoài việc thở oxy, thở máy cần các biện pháp hỗ trợ khác, đặc biệt là lọc máu, hấp thụ Cytokine hay dùng các thuốc điều biến miễn dịch… mới có thể cứu sống được người bệnh”, GS.TS Bình cho hay.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.
Đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.