Cứng rắn để gìn giữ 'báu vật quốc gia' Hồ Tây

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để gìn giữ báu vật quốc gia, có những vấn đề phải thực sự cứng rắn, không thể thương lượng, không chấp nhận đánh đổi để lấy một vài lợi ích nhỏ nhoi.
Ảnh minh họa (Ảnh - VOV2).
Ảnh minh họa (Ảnh - VOV2).

Tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ, mới đây, một nội dung đáng chú ý là những vấn đề về quy hoạch, quản lý, khai thác hồ Tây.

Hồ Tây rộng hơn 526ha, chu vi gần 15km, là hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội, xung quanh có 71 di tích lịch sử văn hóa. Có 6/8 phường của quận Tây Hồ nằm ven hồ.

Theo lãnh dạo UBND quận Tây Hồ, quận đang xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị hồ Tây và vùng phụ cận, đồng thời nghiên cứu phương án cải thiện chất lượng môi trường nước, cải thiện không gian sinh sống của các loài thủy sản; giám sát chặt chẽ nguồn nước thải xung quanh hồ.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP đưa ra ý kiến sớm thành lập Ban Quản lý hồ Tây với đề án phát triển nghiêm túc, bài bản để phát huy giá trị không gian văn hóa hồ về cả tâm linh, môi trường và thương mại. Quận có thể nghiên cứu phương án xây dựng khu phố điển hình như những đề án quận đang thực hiện (mô hình làng nghề giấy dó; làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, hoa sen) để người dân có thể hoán đổi, chia lại không gian sống, tổ chức lại trật tự đô thị.

Cùng quan điểm phải xây dựng đề án cụ thể để khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng nói cùng với Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ là một trong những trung tâm văn hóa của Thủ đô, mang đậm dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa.

Bí thư Thành ủy đồng ý chủ trương chuyển giao việc quản lý hồ Tây về cho quận Tây Hồ thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây. Các sở, ngành chung tay cùng quận Tây Hồ quản lý hồ theo chức năng, nhiệm vụ để địa danh này thực sự phát triển, trở thành điểm đến văn hóa du lịch tiêu biểu của Thủ đô. Trong 6 tháng, quận Tây Hồ cần hoàn thiện đề án, trình TP để xem xét, đưa vào triển khai. "Bằng mọi giá phải lưu giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa là báu vật quốc gia, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của hồ", ông Dũng chỉ đạo.

Dư luận rất ủng hộ những quan điểm nêu trên của lãnh đạo TP và quận Tây Hồ. Trong quá khứ, một số khu vực tại hồ Tây từng nhếch nhác với việc kinh doanh du thuyền ở hồ Tây, bắt đầu từ những năm 2000 với gần 150 phương tiện thủy nội địa của 14 DN. Kết luận thanh tra của TP đã khẳng định các phương tiện kinh doanh ở hồ Tây không bảo đảm điều kiện PCCC, kiểm định, xả thải, gây ô nhiễm hồ. Việc những con tàu cũ nát neo đậu ven hồ, phục vụ khách ăn uống, xả đủ thứ dơ dáy, bẩn thỉu xuống hồ; thực sự làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Không ít lần đã xảy ra hiện tượng cá chết trắng một góc hồ.

Trước thực trạng này, UBND TP đã chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các DN kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây. Gần như toàn bộ các phương tiện đã được di dời. Và hồi tháng 3/2023, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố, Bí thư Thành ủy từng nêu quan điểm rõ ràng của Thường trực Thành ủy với công tác quản lý hồ Tây là: "Trước mắt không xem xét đưa du thuyền hoạt động trở lại. Sau này nếu có tính toán đến việc hoạt động trở lại phải xem xét rất kỹ mọi mặt, tuyệt đối bảo đảm môi trường nước, giữ gìn sinh thái hồ". Để gìn giữ báu vật quốc gia, có những vấn đề phải thực sự cứng rắn, không thể thương lượng, không chấp nhận đánh đổi để lấy một vài lợi ích nhỏ nhoi.

Đọc thêm