Cùng “thuyền” khác “hội”

(PLO) - EU kết thúc một năm đầy chuyện chẳng tốt lành bằng một hội nghị cấp cao mà kết quả của nó không thể làm EU vui mừng và hài lòng.
Cùng “thuyền” khác “hội”
Xưa nay bao giờ chẳng thế, hội nghị cấp cao nào cũng được EU coi là thành công, có thoả thuận to nhỏ được ngợi ca là “bước tiến quan trọng về phía trước” và có không ít cam kết nhưng rồi không được thực hiện. Hội nghị cấp cao này không khác.
Nhưng những kết quả ít ỏi đạt được ở đó không có ý nghĩa cơ bản mà chỉ giống như vài nét trang điểm sơ sài trên diện mạo sầu thảm của chung cả EU.
Chống khủng bố gia tăng rõ rệt và tiếp tục đối phó với khủng hoảng tài chính, nợ công cùng với chuyện tỵ nạn và khả năng Anh ra khỏi EU là những chủ đề nội dung chính trên chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao này. 
Chúng đều quá khó và quá nhạy cảm về mọi phương diện đối với EU. Nội bộ EU đã bị phân hoá sâu sắc bởi chúng, hội nghị này không giúp EU cải thiện được tình trạng đó.
Trái lại, tình trạng đó đã trở nên thậm chí còn tồi tệ hơn so với trước đối với EU. Nguyên do là EU phải nhượng bộ với Anh để nước này tiếp tục ở lại trong hàng ngũ của EU. 
Như thế có nghĩa là trong EU có nhiều diện và cấp độ thành viên khác nhau, với nhiều mức độ liên kết và hợp tác với EU khác nhau. Như thế chẳng phải EU đã trở thành liên minh với nhiều tốc độ liên minh hay sao.
Nguyên do còn là chuyện ngay trước khi diễn ra hội nghị cấp cao này đã có một hội nghị cấp cao khác giữa một số nhất định thành viên EU do Áo chủ xướng, tham dự còn có Đức, Pháp, Italy, Hy Lạp, Luxemburg, Hà Lan, Thuỵ Điển, Phần Oan, Bỉ, Slovenia, Bồ Đào Nha và Chủ tịch Uỷ ban EU. 
Họ bàn chuyên về vấn đề tỵ nạn và nhập cư, tham vấn quan điểm, nhất trí biện pháp và phối hợp hành động. Họ tạo thành phe cánh riêng trong hội nghị cấp cao chung của EU diễn ra sau đó. Những thành viên này bị ảnh hưởng trực tiếp nặng nhất bởi làn sóng tỵ nạn và di cư. 
Phe kia là những thành viên EU ở Đông và Trung Âu do Hungari và Ba Lan làm thủ lĩnh. Hai phe này bất đồng quan điểm và bất hợp tác với nhau trong vấn đề tỵ nạn và nhập cư cho nên cũng bất đồng quan điểm về mối quan hệ của EU với Thổ Nhĩ Kỳ. 
Phe ở Đông và Trung Âu không sẵn sàng nhượng bộ nhiều hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình giải quyết vấn đề tỵ nạn và nhập cư như chủ ý của phía kia. 
Mắc mớ mấu chốt ở đây là phe này không muốn tiếp nhận người tỵ nạn và nhập cư, không tán đồng chính sách của phe bên kia "thân thiện với người tỵ nạn và nhập cư", vì thế không sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình để giúp phe bên kia giải quyết vấn đề tỵ nạn và nhập cư. 
Như thế có thể thấy EU đã phân chia ra thành hai phe cánh rất rõ rệt, không thể dung chấp nhau và càng không thể hợp tác được với nhau.
Thực trạng nói trên thật sự tồi tệ đối với EU. Chưa có năm nào kể từ vài thập kỷ trở lại đây tình cảnh nội bộ của EU lại thê thảm đến như vậy trong khi thách thức lại xô đến dồn dập. Điều đáng nói ở đây là kể từ khi ra đời đến nay, EU luôn phải thường xuyên đối phó với xu hướng ly tâm trong nội bộ. 
Càng gặp khó khăn thì nội bộ EU càng phân rẽ, càng thêm đông thành viên thì nội bộ EU càng thêm dễ bị phân hoá. Khi ấy, sự cọ sát lợi ích giữa EU và các thành viên leo thang đến đỉnh điểm và phe ly tâm trỗi dậy mạnh mẽ. 
Năm nay là một năm như thế đối với EU. Nhìn lại có thể thấy EU không giải quyết được vấn đề và thách thức nào trong số đang tồn tại mà lại còn phải trực diện với khó khăn, thách thức mới. Nếu không nhanh chóng khắc phục được tình trạng cùng “thuyền” khác “hội” này thì EU không chỉ tiếp tục dậm chân tại chỗ mà còn không loại trừ nguy cơ tiến triển đã đạt được sẽ bị đảo ngược…

Đọc thêm