Cuộc chiến chống “ô nhiễm trắng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải dù ngày càng được hoàn thiện nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt khi lượng rác thải nhựa đang tăng cao.
Việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy cần được xã hội nhận thức đúng đắn.
Việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy cần được xã hội nhận thức đúng đắn.

Còn nhiều bất cập

Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” là một trong những nguyên lý cơ bản trong hệ thống pháp luật về môi trường đã được công nhận rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, để triển khai nguyên tắc này ở Việt Nam đòi hỏi phải làm rõ các dạng chi phí người gây ô nhiễm phải trả, đồng thời phải đảm bảo đủ năng lực xác định được ai là đối tượng gây ô nhiễm và phải chi trả, với mức chi trả là bao nhiêu. Nếu áp dụng cứng nhắc nguyên tắc này mà không làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thì có thể gây bức xúc trong cộng đồng. Ví dụ, khoảng tháng 4/2021, một số nơi ở TP.HCM có hiện tượng tăng giá thu gom rác hàng tháng lên gấp 2-3 lần, khiến nhiều người dân bất ngờ.

Mới đây, hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được Bộ TN-MT tổ chức. TS Nguyễn Ngọc Lý - Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết: “Về giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND các cấp phải trả cho nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, sau đó đề ra các nguyên tắc định giá. Nếu chúng ta vẫn để chính quyền trả cho nhà đầu tư xử lý rác như hiện nay thì sẽ khó thực hiện việc người gây ô nhiễm phải trả tiền, và sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến chương EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và tuần hoàn kinh tế”.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải ngày càng được hoàn thiện nhưng thực tế cho thấy vẫn còn bất cập. Đặc biệt, chất thải nhựa chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, nhưng lại chưa có quy định cụ thể để quản lý, nhất là loại nhựa dùng một lần. Theo kết quả khảo sát năm 2021 của tổ chức GreenHub trong dự án của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại 10 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam, 93,6% rác thải rò rỉ ra ngoài môi trường là nhựa. Nhiều nhất là mảnh nhựa mềm phân rã từ túi ni lông, tiếp đến là các loại ngư cụ, hộp xốp, ống hút nhựa, bao bì thực phẩm và các loại nhựa khác như tã, bỉm…

Nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng, hệ thống chính sách hiện hành vẫn chưa đầy đủ để tạo động lực thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn. Đơn cử, hiện nay vẫn chưa có cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi ni lông thân thiện môi trường và các sản phẩm thay thế nhựa khác. Do vậy, những sản phẩm thay thế này hầu như không có khả năng cạnh tranh lâu dài với các sản phẩm từ nhựa.

Cơ quan nhà nước

Kinh nghiệm cho thấy khi việc hoàn thiện hành lang pháp lý là chưa đủ, việc hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy cần được xã hội nhận thức đúng đắn, chủ động thay đổi. Một giải pháp quan trọng là chính các cơ quan Nhà nước phải đi tiên phong và làm tấm gương sáng trong cuộc chiến chống “ô nhiễm trắng”, trên tinh thần đó, vận động doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào lối sống “nói không” với rác thải nhựa.

Rác thải nhựa vẫn là bài toán nan giải nhiều năm nay.

Rác thải nhựa vẫn là bài toán nan giải nhiều năm nay.

UBND TP. Đà Nẵng mới đây đã ban hành kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Mục tiêu trung hạn 2021-2025 là 100% các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố không sử dụng vật dụng hoặc đồ nhựa sử dụng một lần (chai nước, ống hút nhựa, băng-rôn...) trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện.

Các mục tiêu cụ thể khác như: 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bao gồm chất thải nhựa; ít nhất 80% ngư dân khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố cam kết không thải bỏ ngư lưới cụ, rác thải nhựa xuống biển; hơn 90% hộ dân sinh sống dọc các con sông không đổ rác thải nhựa trực tiếp xuống dòng sông; ít nhất 70% điểm phục vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; ít nhất 20% các cơ sở kinh doanh nước uống và thực phẩm cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần….

TP Hồ Chí Minh cũng rất quyết liệt trong việc “đẩy lùi “ô nhiễm “trắng” với Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn. Thành phố yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội phải gương mẫu, đi đầu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa; hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu… dùng một lần, chuyển sang sử dụng các trang thiết bị điện tử phục vụ tuyên truyền. Kế hoạch còn đặt mục tiêu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố sẽ sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy.

Đọc thêm