Cuộc đời buồn của 'ông hoàng bolero' Trúc Phương

(PLVN) - Nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng khoảng những năm 60 của thế kỷ trước với dòng nhạc bolero uyển chuyển, hấp dẫn. Mỗi câu hát, lời ca của ông đều gắn liền với thân phận con người trôi nổi, đau thương, buồn khổ. Có lẽ, âm nhạc đã vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương “chữ tài đi với chữ tai một vần”.
Những bản nhạc sầu thương đã vận vào đời nhạc sĩ Trúc Phương. (Nguồn: Amnhac.net)

Chàng nhạc sĩ tài hoa, đa tình

Nhạc sĩ Trúc Phương có tên khai sinh là Nguyễn Thiên Lộc. Ông sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh). Bố ông là một nghệ sĩ hát bội, sau chuyển qua cải lương, nên từ nhỏ, ông đã chịu ảnh hưởng của gia đình. Hẳn vì vậy, cậu bé Thiên Lộc đã có tình yêu nghệ thuật ngay từ thuở thơ ấu. Lớn lên, ông sinh hoạt văn nghệ ở tỉnh Vĩnh Bình. Tuy nhiên, mảnh đất nhỏ bé ở quê hương không thể bao bọc được tình yêu âm nhạc của ông.

Đến năm 1957, chàng trai Nguyễn Thiên Lộc quyết định lên Sài Gòn “tầm sư học đạo”. Ông may mắn gặp được nhạc sĩ Trịnh Hưng, người thầy đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến những sáng tác của ông sau này. Chẳng bao lâu sau, chàng trai quê Nguyễn Thiên Lộc đã chọn lựa cho mình nghệ danh Trúc Phương để hoạt động nghệ thuật.

Có nhiều người cho rằng, vì quê hương ông có trồng tre trúc, nên nhạc sĩ lựa chọn tên Trúc Phương làm nghệ danh. Nhưng một số người thân thiết với ông đính chính, ông chưa bao giờ chia sẻ câu chuyện đằng sau nghệ danh này. Vì vậy, cái tên Trúc Phương còn là một ẩn số đối với khán giả hâm mộ ông.

Mặc dù đi theo dòng nhạc bolero mang âm hưởng của phương Tây (cụ thể là Tây Ban Nha), nhưng thời gian đầu sáng tác, những ca khúc của nhạc sĩ đều mang tình yêu quê hương, đất nước xinh đẹp, trù phú. Nhiều người lý giải, có thể vì nhạc sĩ Trịnh Hưng (thầy của nhạc sĩ Trúc Phương) có thế mạnh về những ca khúc mang âm hưởng truyền thống dân tộc. Cho nên, nhạc sĩ Trúc Phương cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của người thầy. Một số các ca khúc nổi tiếng của ông thời kỳ đầu là “Tình thắm duyên quê”, “Chiều làng em”,...

Vốn là một người có tài năng nghệ thuật, lại mang vẻ ngoài hào hoa, phong nhã, nên nhạc sĩ Trúc Phương sớm đã có nhiều mối tình vây quanh. Được biết, thời kỳ đầu khi theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, ông từng làm gia sư dạy nhạc cho con gái một gia đình nhà giàu ở Sài Gòn. Sau khi gia chủ biết mối tình ngang trái của ông, liền đuổi nhạc sĩ đi. Buồn vì mối tình dang dở, ông đã sáng tác bài “Ai cho tôi tình yêu?”.

Cũng theo lời con trai ông từng chia sẻ với truyền thông, trước khi lập gia đình, nhạc sĩ từng sống với một, hai người phụ nữ nhưng không có hôn thú. Cả cuộc đời, ông chỉ lấy duy nhất người vợ gốc Bến Tre. Đây chính là mẹ ruột 6 người con của ông.

Cơ duyên gặp gỡ, kết hôn của ông và vợ cũng là nhờ âm nhạc. Trong một lần nhạc sĩ Trúc Phương đi biểu diễn ở Bến Tre, vợ của ông đến xem ca nhạc. Lúc bấy giờ, vợ ông là cô thiếu nữ mới 16 tuổi, có dung nhan xinh đẹp nức tiếng gần xa. Nhạc sĩ Trúc Phương thấy cô khán giả xinh đẹp, mới buông vài lời trêu chọc, thăm hỏi. Ai có thể ngờ, người con gái ấy cũng thầm thương, trộm nhớ anh nhạc sĩ trẻ. Gặp gỡ nhau một năm, hai người tiến đến hôn nhân, khi ấy, vợ của nhạc sĩ Trúc Phương vừa tròn 17 tuổi. Sau đó, lần lượt 6 người con của hai ông bà ra đời.

Vào những năm 70, cuộc sống gia đình của nhạc sĩ Trúc Phương rất hạnh phúc. Ông có người vợ đẹp, những đứa con thơ. Sự nghiệp của ông lúc bấy giờ đang dần thăng hoa. Các ca khúc của nhạc sĩ được biết đến nhiều hơn.

Càng về giai đoạn sau, những ca khúc bolero của nhạc sĩ Trúc Phương cũng chuyển hướng đề tài sang tình yêu, suy tư, phận đời con người, cảm xúc buồn vui, chia ly, đau thương, đoàn viên. Ông đã dùng ca từ mỹ miều, bay bổng, pha chút buồn man mác đầy cảm xúc, trải nghiệm từ chính cuộc đời vào các ca khúc của mình. Như bài “Tàu đêm năm cũ” được coi là bản bolero xuất sắc nhất trong những sáng tác của ông, để dành tặng cho những người phải xa nhà, xa gia đình, vợ con để đến những nơi công tác, làm việc ở hải đảo xa xôi.

Nửa cuối đời sống trong nghèo đói, bệnh tật

Con trai của cố nhạc sĩ đã từng chia sẻ về người bố của mình với truyền thông rằng, ông là người yêu vợ, thương con, tính tình hiền lành. Cho dù cuộc sống có nghèo túng, khó khăn đến đâu ông vẫn lo cho vợ con đầy đủ. Khi có tiền dành dụm, ông mang về quê cho mẹ (bà nội của con cố nhạc sĩ). Ông vốn xởi lởi, sống nghệ sĩ, nên không bao giờ vụ lợi, ích kỷ, bạn bè xung quanh nhạc sĩ Trúc Phương rất nhiều và ai cũng quý mến ông.

Trong những năm tháng đỉnh cao của sự nghiệp, tài chính và hạnh phúc gia đình, ông đã sáng tác ra hai ca khúc “Thói đời” và “Buồn trong kỷ niệm”. Đây là hai bài hát có âm điệu buồn, da diết, nói về bi kịch và số phận của con người. Hai ca khúc này được rất nhiều khán giả đương thời của ông mến mộ. Tuy nhiên, những bài hát chia ly, đau thương đã vận vào cuộc đời của cố nhạc sĩ. Năm tháng sống hạnh phúc bên vợ con của ông chưa kéo dài bao lâu, thì biến cố đã ập đến gia đình ông. Chính nhạc sĩ Trúc Phương đã từng chia sẻ với người thân, bạn bè, khi sáng tác bài “Buồn trong kỷ niệm” ông dường như đã linh cảm trước được cuộc hôn nhân của mình rồi sẽ đến lúc tan vỡ.

Vào khoảng những năm 1975, kinh tế gia đình ông đi xuống trầm trọng. Đến năm 1976, ông mất căn nhà riêng ở quận 11. Giấy tờ tùy thân của ông cũng không còn. Công việc kiếm sống bằng nghề sáng tác, hát những ca khúc bolero rơi vào ngõ cụt. Đây chính là thời điểm gia đình ông ly tán, hai vợ chồng chia tay nhau. Đa phần các con ông đều chọn ra đi với mẹ.

Từ “ông hoàng bolero”, nhạc sĩ Trúc Phương trở thành một người vô gia cư trong 9 tháng. Ông không có nhà để về, không có giấy tờ tùy thân. Nơi duy nhất ông có thể nương nhờ là bạn bè và người thân thiết. Tuy nhiên, bạn bè của ông không phải là những người giàu sang, có của ăn, của để hỗ trợ ông mãi. Vì vậy, nơi cư ngụ của ông trong khoảng thời gian này là bến cảng xa. Mỗi ngày, ông dùng vài đồng bạc lẻ để bắt xe lam ra bến cảng xa ngủ, hôm nào không có tiền thì ông đi bộ. Nếu đến sớm, cố nhạc sĩ có một chỗ tương đối sạch sẽ, hợp vệ sinh. Nếu tới muộn, ông đành nằm ở chỗ hôi hám không ai muốn đi qua.

Cứ như vậy 9 tháng qua đi, ông quay trở về quê nương tựa người mẹ già. Mẹ của ông ở tỉnh Trà Vinh cũng không dư giả hơn con trai là bao. Bà sống nhờ vào con gà, ruộng rau. Ấy vậy, mà người mẹ vẫn giang rộng vòng tay, nuôi nấng nhạc sĩ Trúc Phương khi đó đã ngoài 50 tuổi. Đến khoảng năm 1984, ông quyết định ra đi tìm kế mưu sinh. Thời gian này, nhờ sự hỗ trợ của bạn bè ông được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn nhà nhỏ để ở. Chỉ khoảng một năm sau đó, ông tiếp tục chuyển đến TP. HCM.

Tại vùng đất phố thị phồn hoa, bạn bè, người thân không biết ông mưu sinh, trang trải cuộc sống bằng nghề gì. Họ chỉ biết rằng ông sống trong một căn nhà cho thuê tạm bợ và phải chống chọi với căn bệnh hen suyễn. Lúc bấy giờ, một trong những đặc điểm mà bạn bè nhớ đến ông chính là tiếng ho sù sụ, thân thể gầy nhỏ, ốm yếu, sắc mặt trắng bệch không còn giọt máu. Nhạc sĩ Thanh Sơn, một người bạn thân cận của nhạc sĩ Trúc Phương cũng xác nhận vào ngày tháng cuối đời, nhạc sĩ Trúc Phương sống trong cảnh nghèo đói, bữa đủ, bữa no với hai người con. Còn người vợ cũ đã đi bước nữa, mọi liên hệ của hai ông bà không còn nhiều.

Đến năm 1995, nhạc sĩ Trúc Phương trút hơi thở cuối cùng ở TP HCM, sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh hen suyễn và phổi hành hạ. Ông được an táng tại nghĩa trang Thái Liêu. Ca khúc cuối cùng được ông sáng tác trước khi tạ thế mang tên “Xin cảm ơn đời”, ghi lại trong đó phận đời thăng trầm của chính ông: “Sống chông chênh dòng đời lênh đênh chẳng mái ấm gia đình”.