Cuộc hội ngộ của những người lính tăng ngày 30/4

(PLO) - Những ngày tháng 4 kỉ niệm giải phóng miền Nam, non sông liền một dải này, có một cuộc hội ngộ của những người lính xe tăng 273, tại nơi những vết xích xe tăng đầu tiên chuyển từ ga Vĩnh Yên về Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp của gần 60 năm trước. Những người lính can trường năm xưa “đã ra quân là đánh thắng”, có người trên 40 năm mới gặp lại đồng chí, đồng đội mình…Những cái ôm, những cái xiết tay mừng mừng tủi tủi của những người lính, những vị tướng tưởng như chẳng thể dứt ra được…
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (thứ ba từ trái sang), Thiếu tướng Đỗ Doãn Kỷ ( thứ ba) từ phải sang.

Máu, nước mắt và hoa

42 năm đã trôi qua nhưng trong chúng ta, có lẽ không ai có thể quên hình ảnh hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 dẫn đầu đội hình, húc tung các cánh cổng sắt tiến thẳng vào Dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 10h45 phút ngày 30/4/1975. Đại đội trưởng đại đội xe tăng 4 Trung úy Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập... Đó chỉ là chiến công trong hàng loạt chiến công oanh liệt của Binh chủng Tăng Thiết giáp trong kháng chiến chống Mỹ, từ trận mở đầu ở Tà Mây- Làng Vây cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam… góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

Về dự buổi gặp mặt từ khắp mọi miền Tổ quốc, trong số 400 cựu chiến binh  còn có những vị tướng lừng lẫy một thời. Đó là Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, người Lữ đoàn trưởng đầu tiên, biết bao lần trong sở chỉ huy ông cầm bút chì gạch chéo căn cứ giặc. Đó là Anh hùng, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 273 xe tăng Quân đoàn 3, nay là trưởng ban liên lạc lữ doàn 273… Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nam, Tư lệnh Binh chủng… cùng nhiều đồng chí khác của Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp.

Trong ký ức Thiếu tướng Trần Doãn Kỉ về ngày 30/4 với những hướng tiến công của Quân đoàn 3 còn vẹn nguyên. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đặt chân vào cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Từ Buôn Mê Thuột vào tới Sài Gòn, tất cả các căn cứ cỡ Tiểu đoàn đều hốt hoảng tháo chạy, không có một sự chống cự nào. Quân đoàn 3 Tây Nguyên vào Sài Gòn bằng 2 hướng, cầu Sáng và cầu Bông. Lúc đó cầu Sáng đã bị địch phá hủy, nếu không bảo vệ được cầu Bông, quân ta sẽ không thể tiến vào Sài Gòn.

Và ấn tượng của ông trong buổi sáng 30/4, đau đớn và xúc động hơn cả là tại Lăng Cha Cả có 5 xe bị bắn cháy. Đây là chốt cuối cùng để ta tiến vào Bộ Tổng tham mưu địch, bọn địch ngoan cố chống cự quyết liệt. Sau đó, tiểu đoàn 2 quay lại vượt theo đường Trương Vĩnh Kí thọc vào cổng Bộ tham mưu, chiếm được trại Hoàng Hoa Thám, vào nhà chỉ huy của tướng Cao Văn Viên, Bộ trưởng Bộ quốc phòng ngụy quyền Sài Gòn. 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng Đại đội 9 đã sử dụng xe tăng địch để đánh địch, có nhiệm vụ là đi đầu mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào phía tây Sài Gòn. Nhiệm vụ là phải giữ bằng được cầu Bông (nay là cầu An Hạ), vì nếu để địch chiếm cầu này hoặc cầu bị gãy thì ảnh hưởng đến cơ động của Quân đoàn 3 và các đơn vị binh khí hỏa lực tiến về phía tây Sài Gòn. Sáng 30-4, xe tăng Đại đội 9 cùng với các đơn vị bộ binh và các đơn vị xe tăng của Sư đoàn 273 tung hoành ngang dọc đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Cũng trong buổi sáng 30/4 ấy, những người lính tăng không thể quên hình ảnh những chiến sỹ bộ đội bị thương nằm sấp trên vũng máu trên đường. Và tại mũi tiến công vào trại Hoàng Hoa Thám, có một pháo thủ cũng được ghi vào sử sách của Lữ đoàn. Đó là pháo thủ Nguyễn Trần Đoàn bị thương, cánh tay phải dập nát, anh đã nhờ đồng đội cắt cánh tay phải cho khỏi vướng. Nén đau, Nguyễn Trần Đoàn cùng các thành viên trong xe tiếp tục chiến đấu. Hành động dũng cảm ấy đã thôi thúc đồng đội tiến lên như thác lũ. Hiện ông Nguyễn Trần Đoàn là một doanh nhân ở Hải Phòng, và tên Công ty của ông là 273. Dù mất một cánh tay, nhưng ông vẫn là một doanh nhân thành đạt và 273 vĩnh viễn là niềm tự hào, là mái nhà của ông và đồng đội, về những năm tháng máu, nước mắt và hoa…

Và những bàn tay xiết chặt…

Ngày ấy, những người lính trẻ vào Tây Nguyên khi tuổi chớm 20. Trong kí ức những người lính đó là những mùa mưa mù trời, những ngày mưa dầm dề  không thể nấu cơm, lính tăng tếu táo khỏa lấp nỗi buồn kể chuyện tiếu lâm cười kha kha và hỏi nhau: “Mày tỉnh nào?” để thấy ấm áp hơn dù chỉ là đồng hương người Bắc. Rồi chẳng hiểu tự lúc nào, chỉ riêng những người lính tăng đã quên đi cái tên thân thuộc của mình và chỉ gọi nhau bằng Quê, anh Quê, thằng Quê… hàm ý rằng tất cả anh em đồng đội là người một nhà, thân yêu như quê hương mình vậy. Có người thì nhớ về  tình quân dân với đồng bào Tây Nguyên, đó là những vạt sắn, rau tàu bay, những gùi măng dấu bên vệ đường chờ bộ đội mình. 

Và có thể nói, những địa danh Đắc Tô, Tân Cảnh, Kon Tum, Cheo Reo, Phú Đồn… đã là người lính 273 không ai không nhớ những chặng đường của một thời oanh liệt, những trận đánh đã đi vào sử sách. Đó là đại đội trưởng Đại đội 9 Trương Công Đạo mở màn ở trận Cầu Bông đã dùng xe tăng E41 nghi binh để mở đường cho đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong ngày 30/4 lịch sử. Và trong những giờ phút ác liệt ấy họ không thể quên có 7 xe tăng đã bốc cháy cùng mấy chục đồng đội đã hy sinh trong những giờ phút cuối cùng trước giờ chiến thắng. Có ngày hôm nay họ phải mất bao nhiêu máu xương của đồng đội, bao nhiêu đồng chí đã nằm lại ở những nẻo đường thân yêu của đất nước. 

Chiến tranh trôi qua, đồng đội mỗi người một ngả, đã hơn 40 năm, bà Nguyễn Thị Tò, vợ liệt sỹ Nguyễn Xuân Luyện mới được gặp đồng đội của chồng mình và mới biết chính xác anh đã hy sinh như thế nào. Liệt sỹ Luyện đã hy sinh ngay trận mở màn Đắc Tô- Tân Cảnh. Lúc bấy giờ trung tá Trần Doãn Kỷ là Trưởng ban Tăng mặt trận B3 đi kiểm tra chiến trường, ông xót thương vô cùng khi bắt gặp đại đội trưởng Luyện và một pháo binh tên Thu đã hy sinh cháy xém trên xe (xe có ba người thì anh lái xe tên Thanh kịp nhảy ra ngoài là sống sót). Anh Luyện đã được ông Kỷ chôn cất và đánh dấu ở bìa rừng trong lúc tiếng súng vẫn chát chúa vọng về. Sau này, năm 1975, sau ngày giải phóng, Tướng Kỷ  tìm về nơi đã mai táng đại đội trưởng Luyện nhưng nơi bìa rừng đó đã bị giặc càn quét không còn dấu vết…

Đó là liệt sỹ Nguyễn Ngọc Khoai, hi sinh ngày 14/4/2972, Quan Hóa, Thanh Hóa, sau 45 năm, Ban liên lạc cựu chiến binh 273 mới tìm được thân nhân. Ở cuộc gặp lần 6 này, có thêm ba gia đình thân nhân lần đầu được ban liên lạc tìm về với đồng đội. Họ khóc nức nở khi nghe đồng đội kể về những  người lính, người thân của họ đã hi sinh ra sao…

Rồi nữa là “liệt sỹ” sống lại. Đó là trường hợp anh Nguyễn Văn Lán, quê Kinh Môn, Hải Dương, trong buổi sáng 30/4 lịch sử, xe cháy, hai người đã hi sinh, hai người chạy ra ngoài, thoát chết. Lúc ấy đồng đội đã thấy Lán gục trên vô lăng, lay lay người không thấy động tĩnh gì, tưởng anh đã hi sinh. Với đặc thù của người lính tăng, khi hi sinh trên xe chỉ còn lại nắm tro ở từng vị trí chiến đấu. Sau ngày giải phóng, đồng đội đã báo tử và làm mộ cho anh ở nghĩa trang Hooc Môn. Mãi ba tháng sau, đơn vị đi tìm những người bị thương nằm trong các viện thì phát hiện ra anh đang điều trị ở đó. Nhưng anh bị thương mất một mảng sương sọ, vùng tiếng nói bị tổn thương nên không nói được nhiều từ. Hết chiến tranh, anh trở về quê nhà. 

Vừa rồi, Trưởng ban liên lạc, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tới thăm gia đình, dù sức khỏe không được tốt nhưng cơ ngơi gia đình Lán cũng khá đầy đủ, hạnh phúc. Cho tới nay, không ai lý giải nổi bằng cách nào anh đã thoát chết thần kì… 

Nhìn những người lính mái tóc đã pha sương tay bắt mặt mừng và cười vui như những người lính 20 thuở nào, nhưng nước mắt thì rưng rưng, tôi hiểu, họ thấm thía hơn ai hết những mất mát hy sinh, bởi họ đã kinh qua những trận đánh sống còn xuyên suốt Buôn Mê Thuột, tiến về Dinh Độc lập trong ngày thống nhất đất nước. Bởi ở đó có tuổi trẻ, máu xương của họ và đồng đội nằm lại. Trong những câu chuyện của người lính xe tăng, một người bạn đã khuất luôn được nhắc tên. Đó là anh Ngô Ngời, sinh viên năm thứ hai ĐH Bách Khoa- là con em miền Nam tập kết ra Bắc. Ngày 06/ 09/1971 anh cùng 3000 sinh viên “kẻ sĩ Bắc Hà” trở về miền Nam chiến đấu. Rồi anh trở thành Đại đội phó kỹ thuật và chính là người nổ phát súng đầu tiên giải phóng Buôn Mê Thuột và nhiều cái tên khác nữa, mãi mãi không thể xóa nhòa trong tim những người lính 273… Và đây cũng là niềm đau đáu của vị tướng lão thành, năm nay đã 90 tuổi, Thiếu tướng Trần Doãn Kỉ, nước mắt ông rưng rưng khi nhắc tới những người lính đã ngã xuống, những anh em còn vất vả nhiều khi trở về ruộng đồng…

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ: “ Đây là cuộc hội ngộ của tình nghĩa, truyền thống và đồng đội. Hôm nay, chúng ta tìm nhau để được thấy nhau, được tâm sự hàn huyên… Tình cảm của chúng ta mới chỉ bắt đầu và không bao giờ kết thúc. Chiến công của lữ đoàn  273 sẽ đi mãi cùng lịch sử Việt Nam. Sứ mệnh của chúng ta là tiếp tục tìm đồng đội. Tình cảm đó sẽ mãi bền chặt, không chỉ ngày xưa mà bây giờ, chúng ta tiếp tục nêu cao truyền thống và tình nghĩa của những người lính 273”. 

Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, nhưng không một ai bị quên lãng trong tim những người lính 273 anh hùng...

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Trưởng ban Liên lạc Lữ đoàn 273: “Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có một ngày sinh. Đó là ngày mẹ cha trao cho ta sự sống, ngày chúng ta làm người. Nhưng thế hệ những người lính suốt một thời trận mạc chúng tôi thường bảo với nhau rằng, chúng ta có một ngày sinh nữa, đó là ngày nhập ngũ, ngày trở thành Bộ đội Cụ Hồ”. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của lữ đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc. Lập nên những chiến công chói lọi, tập thể cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 273 vinh dự được 2 lần phong tặng Anh hùng LLVT Nhân dân (vào tháng 12 năm 1976 và tháng 12 năm 1979); xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết-Quyết thắng-Sáng tạo-Thống nhất-Nghiêm túc-Tự lực-Đột kích mạnh-Cơ động cao-Đã ra quân là đánh thắng”.

Đọc thêm