Hai năm sau khi phát hành tiểu thuyết Kim Ji Young, sinh năm 1982, Cho Nam Joo trở lại với Tên cô ấy là, nhà văn dùng ngòi bút của mình nói lên những bất công mà người phụ nữ phải chịu và một lần nữa thu hút được sự quan tâm của không ít độc giả.
Qua 60 cuộc phỏng vấn, với rất nhiều đối tượng, từ cô bé 9 tuổi tới cụ bà đã 69 tuổi, Cho Nam Joo đã chắt lọc và kể lại 28 câu chuyện về cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Họ có thể là bất cứ ai, những người mà bạn có thể gặp ở bất kỳ đâu như: hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp hay nhân viên bán hàng ở siêu thị mà bạn vẫn ghé qua vào giờ ăn trưa…
Đó là câu chuyện của So Jin, một cô nhân viên văn phòng chăm chỉ. Một ngày kia, cô gái tội nghiệp ấy bị cấp trên của mình quấy rối. Lấy cớ công việc, anh ta đã gọi So Jin ra ngoài sau giờ làm việc, mời cô uống rượu và tâm sự về cuộc hôn nhân như địa ngục của mình. Là một cô gái có tự trọng, So Jin đã từ chối và tỏ rõ thái độ với cấp trên. Sau đó, cô xin chuyển đến chi nhánh khác.
Trước khi rời đi cô gái ấy đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Nếu cô quyết định cho qua mọi chuyện và làm như không có gì xảy ra, sau này rất có thể những đồng nghiệp nữ khác sẽ gặp phải chuyện tương tự. Cuối cùng So Jin đã quyết định nói ra tất cả. Thật buồn, khi người phản ứng gay gắt trước hành động của cô không phải là một đồng nghiệp nam, mà lại là một người phụ nữ. Cô ấy từng lâm vào hoàn cảnh của So Jin và đã chọn cách im lặng.
Trong nhà có một cô con gái lớn, gần 30 tuổi vẫn chưa kết hôn dường như là mối lo đối với nhiều bậc cha mẹ. Eun Soo suốt ngày bị bố giục giã chuyện kết hôn. Mỗi khi cô than thở về áp lực công việc hay những khó khăn trong cuộc sống, lời đầu tiên mà cô gái trẻ nhận được là khuyên cô kết hôn. Trong mắt cha cô, kết hôn sẽ giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
Nhiều độc giả cũng sẽ thấy đồng cảm trước những tâm sự của một cô gái giấu tên. Một mình sống ở thủ đô đông đúc, những người phụ nữ trẻ gặp không ít áp lực. Nếu thuê nhà ở nơi có an ninh tốt, giá phòng khá cao. Đồng lương nhân viên văn phòng khiêm tốn của họ sẽ không đủ để trang trải các khoản sinh hoạt phí. Trong khi đó, các căn hộ giá rẻ thường không an toàn. Những cô gái trẻ sống một mình có thể bị kẻ xấu theo dõi, thậm chí tìm cách đột nhập vào nhà.
Khi cô con gái ngoài ba mươi tuổi tâm sự những chuyện đó với cha mẹ, ngay lập tức họ sẽ khuyên con gái kết hôn, hoặc rời bỏ thành phố về tỉnh lẻ để có cuộc sống yên bình. Những cô gái ấy chợt nhận ra cha mẹ đôi khi không còn là chỗ dựa của họ nữa.
Trong những cuộc trò chuyện của Cho Nam Joo, bạn đọc sẽ bắt gặp khá nhiều tâm sự của những người vợ, người mẹ, những phụ nữ độc thân sau khi ly hôn. Tuy sống trong một xã hội hiện đại, phát triển về kinh tế và văn hóa, nhưng phụ nữ Hàn Quốc vẫn phải chịu khá nhiều ảnh hưởng từ những luồng tư tưởng cũ trong quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa con dâu và cha mẹ chồng. Điều đó làm cho những người phụ nữ có gia đình luôn cảm thấy áp lực.
Trong trang viết xuất hiện nhiều cung bậc cảm xúc như mạnh mẽ, kiên cường hay yếu đuối, bất lực…
Không chỉ đơn thuần là những dòng trần thuật khô khan, những câu chuyện bình dị trong Tên cô ấy là đã cho người đọc thấy bức tranh muôn màu về xã hội Hàn Quốc hiện đại. Ở đó, những người phụ nữ luôn phải không ngừng nỗ lực để khẳng định giá trị của mình.