Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với mục đích tìm kiếm người đẹp có đủ “sắc, tâm, tài” để quảng bá hình ảnh của tà áo dài Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu được tổ chức nhằm phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập phát triển, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức. (Ảnh: Thùy Dương)
Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 lần đầu tiên được tổ chức. (Ảnh: Thùy Dương)

Chiều 22/10/2024, UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức họp báo giới thiệu về cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam năm 2024. Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2024).

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 do UBND thị xã Sơn Tây tổ chức, nhằm tôn vinh và lan tỏa hình ảnh về vẻ đẹp của người phụ nữ trong trang phục áo dài qua từng thời kỳ và nâng tầm áo dài thành một “vật phẩm văn hóa” trong ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam, khẳng định áo dài là trang phục truyền thống có lịch sử lâu đời của phụ nữ Việt Nam, là nét văn hóa đặc sắc của người Việt.

Ban tổ chức, Ban giám khảo và một số thí sinh dự thi. (Ảnh: Thùy Dương)

Ban tổ chức, Ban giám khảo và một số thí sinh dự thi. (Ảnh: Thùy Dương)

Với mục đích tìm kiếm người đẹp có đủ “sắc, tâm, tài” để quảng bá hình ảnh của tà áo dài Việt Nam, cuộc thi nhằm phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập phát triển, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Theo ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, Sơn Tây - trung tâm xứ Đoài là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và di sản nên qua cuộc thi sẽ làm nổi bật các giá trị văn hóa đặc sắc của Sơn Tây, đặc biệt là các di tích lịch sử - văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, từ đó thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Các hoạt động trong cuộc thi bao gồm: Thăm quan và trải nghiệm các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại Sơn Tây và Hà Nội; Thực hiện một số cuộc thi tài năng về sáng tạo nội dung social và livestream, với chủ đề chính là áo dài; Phần thi thiết kế trang phục áo dài, biểu tượng của quốc phục; Tham gia tọa đàm: Di sản áo dài Việt Nam - Truyền thống và hội nhập, do UBND thị xã Sơn Tây, quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và bảo tàng Phụ nữ tổ chức…

Theo Ban tổ chức, vòng bán kết cuộc thi sẽ diễn ra ngày 23/11, tại sân khấu chính phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, với sự tham gia của 100 thí sinh, trình diễn trang phục áo dài, chụp hình với trang phục áo dài.

Cuộc thi sẽ chọn 1 Hoa hậu và 4 Á hậu. Danh hiệu Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 sẽ nhận phần thưởng trị giá 2 tỷ đồng, trong đó có 150 triệu đồng tiền mặt.

Đêm chung kết cuộc thi dự kiến vào ngày 24/11, tại sân khấu chính phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, với sự tham gia của 30 thí sinh, tham gia các phần thi giới thiệu bản thân, trình diễn trang phục dạ hội, trình diễn trang phục áo dài và ứng xử.