Cuối tháng 6 bắt đầu thi hành tử hình bằng thuốc độc

Trước chất vấn của ĐBQH về việc các tử tù phải chờ quá lâu để thi hành án, cũng như những khó khăn trong việc quản lý, giam giữ những đối tượng này, Bộ trưởng bộ Công an cho biết, cuối tháng 6 này, có thể triển khai những quy trình để tiến hành thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

[links()]Trước chất vấn của ĐBQH về việc các tử tù phải chờ quá lâu để thi hành án, cũng như những khó khăn trong việc quản lý, giam giữ những đối tượng này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, cuối tháng 6 này, có thể triển khai những quy trình để tiến hành thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong phạm vi nhiệm vụ của mình, Bộ Công an đã tiến hành tập huấn cho đội ngũ thi hành án hình sự trong công an nhân dân và quân đội nhân dân để áp dụng hình thức tử hình bằng cách tiêm thuốc độc. 5 cơ sở để thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cũng đã được xây dựng ở 5 khu vực trong cả nước.

Nhưng theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, khó khăn, vướng mắc khiến công tác này chậm trễ như đã được báo cáo QH là do Việt Nam chưa có thuốc độc để thi hành án bởi Nghị định số 82 ngày 16/9/2011 của Chính phủ phải nhập loại thuốc đó ở nước ngoài.

Để khắc phục tình trạng đó, Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế và các ngành chức năng kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47 ngày 13/5/2013 thay thuốc đó bằng nguồn thuốc sản xuất trong nước.

Nghị định 47 của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 27/6/2013. “Sau khi nghị định có hiệu lực thì chúng tôi sẽ tiến hành ngay hình thức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc”, Bộ trưởng Trần Đại Quang nói.

Về vấn đề chậm trễ trong tiến độ điều tra của các vụ án kinh tế, tham nhũng, người đứng đầu ngành công an cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khách quan chưa thể khắc phục được.

Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, đối tượng của các vụ án này là những người có chức vụ, quyền hạn, dùng thủ đoạn che giấu tội phạm, xóa dấu vết, xóa chứng cứ. Một nguyên nhân nữa là các vụ án kinh tế, vụ án tham nhũng thông thường phát hiện cũng chậm, khi tội phạm xảy ra đã nhiều năm, gây khó khăn cho việc thu thập tài liệu chứng cứ.

Khó khăn nữa là do pháp luật quy định thời hạn điều tra vụ án, nhưng không quy định thời hạn giám định, cho nên dẫn đến nhiều vụ án hết thời gian điều tra, nhưng chưa có kết quả giám định, nên cũng chưa thể kết thúc vụ án được...

Công tác điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài lại càng khó khăn hơn vì chúng ta chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước trên thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, một lý do cũng làm chậm tiến độ điều tra, xét xử các loại vụ án này là do quy định của Luật Hình sự (HS) chưa rõ. “Chương XXI Luật HS có 7 tội danh về tham nhũng, nhưng trong đó có rất nhiều vấn đề cần phải cụ thể hóa, ví dụ thế nào là ít nghiêm trọng, thế nào là nghiêm trọng, thế nào là rất nghiêm trọng, thế nào là đặc biệt nghiêm trọng?. Vì không có quy định rõ, nên rất khó khăn trong việc vận dụng để thống nhất đánh giá tài liệu chứng cứ và tiến hành xác định các tội danh để đưa ra truy tố, xét xử", ông Trần Đại Quang nói.

Nhật Thanh

Đọc thêm