Cứu người gây chết người
Chị H đứng dưới lòng đường trong khi tài xế xe buýt cho xe tấp vào lề để đón khách. Tuy nhiên, do tài xế cua gấp, biên độ cua rộng nên góc cua của xe không ở phía trước mặt khách hàng mà lại theo hướng đâm thẳng vào hành khách. Nhận thấy khả năng nguy hiểm có thể xảy ra tức thì, anh A theo phản xạ nhảy tránh đồng thời đẩy cả chị H theo. Xe buýt kịp dừng lại đúng vị trí đón khách, nhưng hành động đẩy chị H của anh A lại gây thương tích nghiêm trọng cho chị H, khiến chị bị va đập mạnh vào mép vỉa hè, và mất sau đó ít phút.
Rõ ràng, anh A. đẩy chị H. với mục đích cứu người nhằm giúp chị H tránh được nguy hiểm có thể xảy ra ngay lập tức. Tuy nhiên, việc chị H. bị chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tử vong nằm ngoài dự tính của anh.
Vậy đối với trường hợp này, người thực hiện hành vi cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng có phải chịu TNHS không? Hành vi đó có được coi là “tình thế cấp thiết” và xảy ra trong “sự kiện bất ngờ” được quy định trong BLHS hay không? Nếu không, hành vi cứu người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng H phải chịu chế tài như thế nào theo quy định của pháp luật?
Điều 11 BLHS quy định về sự kiện bất ngờ: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó thì không phải chịu TNHS”.
Điều 16 BLHS quy định về tình thế cấp thiết: “1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại đó phải chịu TNHS”.
Có phải là “tình thế cấp thiết” không?
Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Cty Luật New Vision, Đoàn Luật sư Hà Nội), căn cứ quy định tại Điều 16 BLHS, một trong những điều kiện để hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và không phải chịu TNHS là “phải có sự nguy hiểm đang đe dọa gây thiệt hại ngay tức khắc”. “Sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như: thiên tai, do sự tấn công của súc vật,… Điều đó, có nghĩa là sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại phải là sự nguy hiểm đe dọa ngay tức khắc thì mới được coi là trong trường hợp tình thế cấp thiết, nếu sự nguy hiểm đó chưa xảy ra hoặc đã kết thúc thì không được coi là gây ra thiệt hại trong tình thế cấp thiết” – Luật sư Tuấn nói – “Sự nguy hiểm đang đe dọa phải là sự nguy hiểm thực tế. Sự nguy hiểm không chứa đựng khả năng thực tế gây ra hậu quả cho xã hội mà chỉ do người gây thiệt hại tưởng tượng ra thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Mối quan hệ nhân quả giữa sự nguy hiểm với các lợi ích cần bảo vệ là mối quan hệ tất yếu, nếu không có biện pháp thì hậu quả tất yếu sẽ xảy ra”.
Điều kiện thứ hai là việc gây thiệt hại để tránh một thiệt hại khác là sự lựa chọn duy nhất để tránh một thiệt hại khác xảy ra.
Thêm nữa, thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại muốn tránh. Có nghĩa là, thiệt hại do người có hành vi trong tình thế cấp thiết gây ra chủ yếu là thiệt hại về tài sản và nguồi bị gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là người có hành vi gây ra sự nguy hiểm đe dọa gây ra thiệt hại cho xã hội mà là một người khác. “Về nguyên tắc, luật hình sự nước ta không thừa nhận thiệt hại về tính mạng trong tình thế cấp thiết” – Luật sư Tuấn nói.
Còn Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của anh A không đủ cơ sở để xác định là hành vi gây thiệt hại trong trường hợp cấp thiết. Bởi lẽ thiệt hại lớn nhất trong tình huống này là thiệt hại về tính mạng. Do vậy, thiệt hại của anh A không thỏa mãn là thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Khi nào được coi là “sự kiện bất ngờ”?
Nếu không phải là hành vi gây thiệt hại trong trường hợp cấp thiết thì hành vi của anh A có phải là vô ý làm chết người hay là trường hợp sự kiện bất ngờ?
Luật sư Trương Anh Tú phân tích, theo khoa học về pháp luật hình sự thì có hai loại vô ý đó chính là vô ý cẩu thả và vô ý tự tin. Vô ý tự tin tức là người thực hiện hành vi đã thấy trước được hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, gây nguy hại cho xã hội, cá nhân khác nhưng lại tự tin là hậu quả đó sẽ có thể ngăn chặn được, thậm chí tự tin rằng sẽ không xảy ra. Còn vô ý cẩu thả tức là người thực hiện hành vi không thấy được hậu quả sẽ xảy ra, mặc dù phải thấy được điều đó, hoặc có thể thấy được điều đó.
Trong tình huống này, có một số điểm gần giống với hành vi lỗi vô ý cẩu thả là hành vi gây hậu quả nguy hại do sự kiện bất ngờ, tức là người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại nhưng không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó. Điều 11 BLHS hiện hành về “sự kiện bất ngờ” có quy định: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó thì không phải chịu TNHS”.
“Theo quy định pháp luật thì có thể thấy một người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả hoặc đe dọa gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ thuộc một trong 02 trường hợp. Thứ nhất, không thể thấy trước hậu quả của hành vi. Thứ hai, không buộc phải thấy trước” – Luật sư Tuấn nói.
Cụ thể, không thể thấy trước được hậu quả của hành vi là trước khi thực hiện hành vi, người đó không nhận thức được hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả, sự nhận thức này của họ có cơ sở khoa học và được mọi người thừa nhận, ai trong hoàn cảnh này đều không thể thấy trước được hậu quả sẽ xảy ra, nhưng thực tế hậu quả lại xảy ra. Việc giải quyết mâu thuẫn giữa cái tất yếu với nhận thức của người có hành vi gây ra hậu quả đó không phải bao giờ cũng dễ dàng. Còn không buộc phải thấy trước là khi có khả năng thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, nhưng theo pháp luật không buộc họ phải thấy trước hậu quả của hành vi và nếu có hậu quả xảy ra thì họ không phải chịu TNHS về hành vi nguy hiểm đó.
|
Đầu tiên phải xem xét “tình thế cấp thiết là gì?” Theo dữ liệu của tình huống do tài xế cua gấp, biên độ cua rộng nên góc cua của xe không ở phía trước mặt khách hàng mà lại theo hướng đâm thẳng vào hành khách. Như vậy, điều mấu chốt cần lưu ý ở đây là do tài xế cua gấp nên đâm thẳng xe vào hành khách, tuy nhiên hướng đâm thẳng đó chưa gây ra hậu quả gì. Lưu ý là hướng đâm thẳng chứ không phải là đâm thẳng vào người khác. Đây là điều quan trọng cần được phân biệt rõ và làm rõ. Có thể lúc gần đến hành khách thì lái xe phanh xe lại. Hoặc cũng có thể thấy xe gần đến thì hành khách tránh người sang một bên theo phản xạ tự nhiên và thông thường. Vì vậy, chưa thể khẳng định được có lỗi của người lái xe cũng như chưa thể khẳng định được có một nguy cơ đang thực tế đe dọa tính mạng người khác được. Vì thế, trong tình huống trên không có tình huống cấp thiết trong trường hợp này.
Do đó, trong trường hợp này, hành vi của anh A đẩy chị H với mục đích cứu người nhằm giúp chị H tránh được nguy hiểm là không phù hợp với các quy định pháp luật và anh A có thể bị truy cứu TNHS theo các quy định của pháp luật hình sự.
|
Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi, Hà Nội): Có dấu hiệu của tội vô ý làm chết người
Tình huống xảy ra là vị trí ô tô đâm đúng vào vị trí hai người đang đứng theo đúng phán đoán của anh A và hành vi anh A đẩy là chị H có thể cứu được chị H bị ô tô đâm, nhưng không may việc đẩy chị H đã làm chị H tử vong. Việc đáng lẽ là cứu người, nhưng hành vi của anh A gây ra hậu quả.
Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, để lại hậu quả chết người với lỗi vô ý. Theo Điều 16 BLHS hiện hành đã được quy định về “tình thế cấp thiết”. Trong trường hợp này, hậu quả đã xảy ra là chết người nên không thể truy cứu TNHS anh A về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” mà hành vi của anh A có dấu hiệu của tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 98 BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
|
Theo Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Hà Nội): Có “cân đo” thiệt hơn trong khoảnh khắc cứu người ngắn ngủi
Trước hết, cần phải khẳng định rằng về mặt đạo lý hành động nêu trên của anh A rất dũng cảm và là rất đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, hậu quả xảy ra với trường hợp này là một hậu quả nghiêm trọng, nằm ngoài mong muốn ban đầu của anh A.
Trong trường hợp này anh A không phải đang trong “tình trạng không thể khắc phục được”. Vì vậy, trong trường hợp nếu như chị H bị té ngã dẫn đến tử vong thì đây là lỗi vô ý của anh A. Do đó, hành vi của anh A có thể được xác định là tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 98 BLHS hiện hành.
Tuy nhiên, trong trường hợp này các cơ quan pháp luật có thể xem xét không truy cứu TNHS, vì trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó anh A không thể đủ thời gian để có thể “cân đo” được sự thiệt hơn để có thể có được hành xử chuẩn mực nhất.
|
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội): Anh A. phạm lỗi vô ý làm chết người
Đối với trường hợp này của anh A, khi chiếc xe buýt đang tiến đến gần và anh A nhận định rằng có thể gây nguy hiểm cho mình, nên có thể đặt giả thiết tình trạng lúc đó của anh A khiến anh A không đủ tỉnh táo để thấy trước hậu quả có thể xảy ra khi đẩy chị H, mặc dù thực tế là anh A phải thấy trước được hậu quả khi đẩy chị H là có thể làm chị H bị thương (mặc dù chưa đến mức chết người). Hơn nữa, anh A đẩy chị H là mục đích là giúp chị H tránh khỏi nguy hiểm giống mình, đây là hành động theo quán tính, vì vậy, có thể xét anh A là vi phạm lỗi vô ý làm chết người theo Điều 98 BLHS 1999.