Cứu sống ca COVID-19 chưa tiêm vaccine kèm loạt bệnh nền nguy hiểm

(PLVN) - Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đột quỵ chảy máu não nhân xám trái cách đây 10 năm di chứng liệt cứng 1/2 người phải, rối loạn ngôn ngữ vận động, béo phì và chưa được tiêm vaccine COVID-19.
Bệnh nhân cai thở máy thành công và rút được ống nội khí quản Ảnh: BVCC

Trước đó, ngày 8/3, khoa hồi sức tích cực (HSTC), Trung tâm điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận bệnh nhân P.T.B, 71 tuổi, quê ở Thanh Hóa vào viện trong tình trạng khó thở, tím tái, tức ngực.

Khám thở nhanh nông tần số 35 chu kỳ/phút, đáp ứng kém với thở oxy mask 10 lít/phút, SpO2 chỉ đạt 70-80%, mạch 110 lần/phút, huyết áp 120/75mmHg, ý thức u ám, chỉ số BMI 31,5. X-quang phổi tổn thương kính mờ và đông đặc lan toả 2 phổi; test nhanh dương tính SARS-CoV-2.

Đánh giá ban đầu đây là 1 ca lâm sàng nguy kịch, các bác sỹ và điều dưỡng khoa HSTC đã nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân theo phác đồ hướng dẫn chẩn đoán điều trị COVID-19 của Bộ y tế ban hành: Đặt ống nội khí quản thông khí nhân tạo mode ARDS, điều trị thuốc kháng virus Remdesivir, Dexamethasone, chống đông, kháng sinh đường tĩnh mạch, kiểm soát huyết áp, vỗ rung, khí dung, long đờm, nuôi dưỡng đường tiêu hoá và tĩnh mạch.

Sau 24 giờ điều trị hồi sức tích cực, theo dõi các kết quả xét nghiệm bệnh nhân có biểu hiện suy đa tạng (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, rối loạn đông máu, marker viêm tăng cao), hôn mê (Glasgow 8 điểm). Bệnh nhân đã được hội chẩn và tiến hành lọc máu liên tục 2 lần (ngày 10/3-11/3), tổng thời gian khoảng 40 giờ.

Sau lọc máu, tình trạng lâm sàng cải thiện rõ rệt, huyết động ổn định, các xét nghiệm máu và XQ phổi cải thiện tốt. Tổn thương trên XQ phổi tiến triển tốt dần, bệnh nhân được chuyển chế độ thở, cai thở máy sau nhập viện 8 ngày, ý thức cải thiện.

Ngày 16/3, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, chuyển sang thở không xâm nhập HFNC, rồi chuyển thở oxy gọng kính 5 lít/p. Các xét nghiệm cải thiện, lâm sàng ổn định, và bệnh nhân được ra viện ngày 25/3.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân P.T.B thể trạng béo phì (BMI 31,5), tuổi cao trên 70, chưa tiêm vaccine COVID-19, kèm theo rất nhiều bệnh lý mạn tính tăng huyết áp, đột quỵ chảy máu não nhân xám trái năm thứ 10 di chứng liệt cứng 1/2 người phải, rối loạn ngôn ngữ vận động là các yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng hơn cũng như tiên lượng đe doạ tử vong.

Theo nhiều nghiên cứu được công bố trên thế giới, những người có tình trạng bệnh nền là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu mắc COVID-19. Tỷ lệ tử vong hiện nay của COVID-19 dựa theo số ca tử vong và số ca nhiễm trên toàn thế giới ở mức khoảng 3,4%.

Kết quả nghiên cứu của CDC Mỹ cho thấy con số này tăng lên 8% ở bệnh nhân ngoài 70 tuổi và 15% ở bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên. Những bệnh nhân lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh nền: gần 5.300 bệnh nhân trong nghiên cứu ở Trung Quốc mắc bệnh nền như ung thư, bệnh tim hoặc tiểu đường, khoảng 7% trong số đó tử vong.

Theo thống kê của WHO (2021), tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch chiếm hơn 10%, tiếp đó là tiểu đường với hơn 7%. Điều đó cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người mắc tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.

CDC Mỹ thông tin thêm, những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ cao bị bệnh nặng do SARS-CoV-2. Khi hệ thống miễn dịch được kích hoạt sẽ giải phóng các cytokine. Các cytokine có thể đem lại hiệu quả cho cơ thể, tuy nhiên chúng cũng có thể gây tổn thương mô khi hoạt động quá mức.

Những người béo phì sẽ có nguy cơ phải nhập viện vì COVID-19 cao gấp đôi so với người bệnh có cân nặng bình thường và điều trị tại phòng hồi sức tích cực cao gấp ba lần so với người có chỉ số BMI bình thường.

Đọc thêm