Đã có sự lây nhiễm bệnh Covid-19 ra cộng đồng

(PLVN) - Qua một số ca bệnh Covid-19 số 237, 243, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thấy, đã có sự lây lan trong cộng đồng. 

Sáng 8/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã có cuộc họp trực tuyến. 

Đầu cuộc họp, thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cám ơn Bộ Công an, Hội Chữ Thập đỏ, các địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội… đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, khắc phục tình trạng thiếu máu điều trị trong mùa dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp sáng 8/4.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp sáng 8/4.

Trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh yêu cầu phải hết sức cảnh giác với những ca nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định việc cách ly xã hội mà Việt Nam đang thực hiện vẫn là biện pháp rất quan trọng để ngăn chặn nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Bởi trước 0h ngày 22/3, thời điểm chúng ta tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam thì vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, chúng ta phải quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác. Nhìn lại, ngay trong giai đoạn 1, khi 3 tuần liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới nhưng Bộ Quốc phòng vẫn tổ chức diễn tập toàn quân để ngay trong tình huống tốt nhất vẫn phải lường trước tình huống xấu nhất.

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong 251 trường hợp nhiễm bệnh (tính đến sáng 8/4), có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).

Vì vậy, ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TP HCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung, chúng ta không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm…; hoàn thiện cơ chế để giám sát, truy vết.

Ban Chỉ đạo thống nhất phải kiên định nguyên tắc từ đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.

Đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng, cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, qua một số ca bệnh chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng. 

Từ những ca bệnh này, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế phải phân luồng, phân tuyến và coi tất cả những người đến khám đều là trường hợp ngh ngờ. Đặc biệt, những nhân viên y tế làm tại phòng khám, khoa hô hấp phải được xét nghiệm thường xuyên và không để lây nhiễm từ nhân viên y tế sang bệnh nhân.

Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhanh phần mềm khám chữa bệnh online để hỗ trợ, giảm số lượng người đến khám tại cơ sở y tế. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải nhanh chóng khoanh vùng, xử lý dịch, cách ly tất cả những người tiếp xúc gần với người mắc và với những khu vực nào có ca mắc đều được coi là ổ dịch.

Cũng theo báo cáo của Tiểu ban Hậu cần (Ban Chỉ đạo), các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được nguồn nguyên liệu và bảo đảm sản xuất đủ khẩu trang y tế, một số trang bị bảo hộ để dùng trong các cơ sở y tế, cung cấp cho các lực lượng làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, chống giọt bắn phù hợp cho người dân sử dụng và xuất khẩu. Bộ Y tế mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, mở rộng dây chuyền sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ và một số trang thiết bị y tế.

Đọc thêm