Nhiều lựa chọn cho người dân
Theo Bộ Tư pháp, các bước thực hiện thủ tục cấp Phiếu LLTP được quy định cụ thể, rõ ràng trong Dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân được giải quyết kịp thời; giúp cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP tiếp nhận, thụ lý hồ sơ yêu cầu và cấp Phiếu LLTP theo đúng quy định của pháp luật, qua đó bảo đảm việc cấp Phiếu LLTP được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả cơ quan nhà nước và cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ ràng, cụ thể về cách thức nộp hồ sơ, nhận kết quả cấp Phiếu LLTP. Theo đó, cá nhân khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP có quyền lựa chọn một trong các cách thức nộp hồ sơ: trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, trực tuyến. Đồng thời cá nhân có thể nhận Phiếu LLTP trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Quy định này tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP thông qua việc lựa chọn cách thức thực hiện phù hợp với nhu cầu, điều kiện của mình.
Theo Bộ Tư pháp, việc cá nhân trực tiếp đến trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP gây tốn kém chi phí của Nhà nước như bố trí trụ sở tiếp công dân, chi phí điện, nước, trang thiết bị, áp lực cao khi phải tiếp nhiều công dân tại trụ sở làm việc. Việc đa dạng hóa cách thức nộp hồ sơ, nhận Phiếu LLTP giúp tiết kiệm chi phí cho cơ quan nhà nước, giảm áp lực công việc khi phải trực tiếp tiếp nhận, thụ lý hồ sơ yêu cầu và cấp Phiếu LLTP, đồng thời nâng cao năng suất lao động, tăng tính chuyên nghiệp, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử.
Chứng minh nhân thân: bổ sung thêm một số giấy tờ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân, Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, việc bổ sung Thẻ căn cước công dân vào một trong những giấy tờ chứng minh nhân thân của công dân Việt Nam tạo thuận lợi cho người có yêu cầu cấp Phiếu LLTP.
Điều 3 Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng quy định mục đích sử dụng Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nhằm chứng minh người được cấp là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; phục vụ công tác quản lý quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và thực hiện các giao dịch dân sự. Do đó, việc quy định bổ sung Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là một trong những giấy tờ chứng minh nhân thân của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân là cần thiết và hợp pháp.
Theo quy định, Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là những giấy tờ chứng minh nhân thân của người yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Ngoài những loại giấy tờ trên vẫn còn giấy tờ khác có giá trị chứng minh nhân thân của người có yêu cầu cấp Phiếu LLTP như giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế quy định tại khoản 2, 3 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho người không quốc tịch đang cư trú tại nước đó và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận) và điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam (giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế là giấy tờ có giá trị chứng minh nhân thân của người không quốc tịch).