Đã đến lúc làng giải trí thôi lấy giới tính để “câu khách”

(PLO) - Sự việc chương trình Táo quân 2018 bị cộng đồng LGBT chỉ trích mạnh mẽ vì có cách thể hiện xúc phạm người đồng tính dường như là “giọt nước tràn ly” khi mà thời gian qua, các sản phẩm giải trí loay hoay quá nhiều quanh câu chuyện về những người đồng tính, chuyển giới, trong đó không ít sự giễu nhại nhằm “câu khách”, gây cười.
Hình ảnh Đức Thịnh vai người quản lý đồng bóng, phim “Siêu sao siêu ngố” chiếu rạp Tết 2018
Hình ảnh Đức Thịnh vai người quản lý đồng bóng, phim “Siêu sao siêu ngố” chiếu rạp Tết 2018

Bội thực vì cảnh giả gái, đồng tính

Mới đây, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) vừa có thư ngỏ gửi đến Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Biên tập chương trình “Gặp nhau cuối năm”  để phản đối chương trình này.

Trong nhiều năm qua, chương trình đã luôn xây dựng hình ảnh nhân vật Bắc Đẩu như một người đồng tính nhằm gây cười, với những điệu bộ ưỡn ẹo, gương mặt nam nhưng trang điểm ăn mặc như nữ, một cách loè loẹt, ngôn ngữ quá lố, phóng đại... Đặc biệt với chương trình “Gặp nhau cuối năm” 2018, nhiều phát ngôn bỡn cợt về nhân vật này đã trực tiếp gây cảm giác xúc phạm tới cộng đồng người đồng tính và gây nên làn sóng phản ứng.

Có thể nói, trong những năm qua, đề tài đồng tính đã được khai thác triệt để trong làng giải trí Việt, nhiều đến mức gần như gây bội thực cho khán giả. Mỗi năm, nếu tính riêng phim về đề tài đồng tính ra đời đến hàng chục bộ, còn nói về nhân vật đồng tính xuất hiện trong phim thì nhan nhản, đếm không hết, thậm chí có thể nói trên 90% phim Việt có xuất hiện nhân vật đồng tính.

Nói đâu xa, ngay phim Tết 2018, trong số 4 bộ phim thì đã có hai bộ có sự xuất hiện của nhân vật đồng tính, một là anh quản lý đồng bóng do Đức Thịnh thủ vai trong “Siêu sao siêu ngố” và nhân vật nữ chính có “nỗi niềm về giới tính” trong “Về quê ăn Tết”. Còn lại thì quanh năm, điện ảnh Việt chứng kiến nhiều hình ảnh người đồng tính xuất hiện trong các bộ phim. Đa phần trong số đó đều là những nhân vật phụ “vô thưởng vô phạt”, thậm chí phóng đại thể hiện giới tính để gây cười cho khán giả.

Trong phim vẫn còn đỡ, có lẽ hài kịch mới là mảnh đất xuất hiện nhiều hình ảnh đồng tính nhất. Từ khá nhiều năm qua, chất liệu để gây cười của hài trong nước chỉ quẩn quanh với vài thứ: nhại giọng, nói lái và... giả gái. Trong hầu hết các vở hài kịch, các nhân vật giả gái, đồng bóng xuất hiện như một thành tố gây cười không thể thiếu. Trong đó, việc giả gái, hình ảnh người đồng tính được xây dựng đa phần rất kệch cỡm, lố lăng, làm quá. Những màn trang điểm quá lố, giọng nói nhão nhoẹt, ăn mặc loè loẹt, thậm chí độn ngực, độn mông một cách phóng đại quá quen thuộc trong những màn giả gái của hài kịch Việt.

Có những lúc người xem không thể hiểu nổi vì sao, ngay cả những vở cải lương dựng lại, những vở kịch kinh điển, không cần nhiều yếu tố gây cười và hoàn toàn có thể để nhân vật do nữ đóng, nhưng đạo diễn lại đưa những diễn viên hài nam vào giả gái, gây sự phản cảm cho người xem? Nhiều người xem đã đặt ra câu hỏi, chẳng lẽ hài kịch Việt chỉ có thể đem việc giả gái ra để gây cười, không có gì sáng tạo hơn?

Thiếu chiều sâu, phản cảm?

Giả gái, đồng tính cũng nhanh chóng trở thành chất liệu khai thác của các game show thực tế. Những chương trình truyền hình thực tế nổi đình nổi đám như “Gương mặt thân quen”, “Bí mật đêm chủ nhật”, “Làng hài mở hội”, “Ơn giời cậu đây rồi”... hầu hết đều có màn giả gái xuất hiện, trong đó có những chương trình nhân vật phải liên tục giả gái như “Gương mặt thân quen” để nhận giải. Khán giả cũng đã quen thuộc với những từ ngữ mà nhiều chương trình, vở kịch dành cho nhân vật đồng tính để gây cười: Pê - đê, con bóng, bống xà bang, lại cái...

Một đề tài quá cũ kĩ, những cách thể hiện sáo mòn và gây phản cảm, thế nhưng vẫn được giới giải trí áp dụng từ năm nay sang năm khác. Những đề tài và vai diễn thực sự có chiều sâu, chất lượng, khai thác đời sống tâm lý người đồng tính một cách nghiêm túc và đồng cảm thì rất ít ỏi. 

Giờ đây, cộng đồng LGBT đã có những phản ứng chính thức sau khi hình ảnh bị “tô vẽ” quá nhiều trong các sản phẩm của làng giải trí Việt, tạo nên ấn tượng méo mó, thiếu chân thực về họ. Tất nhiên đây chỉ là phản ứng bước đầu. Nếu các nhà sản xuất, các tác giả kịch bản không thay đổi chất liệu câu khách và gây cười với yếu tố giới tính, thì không chỉ LGBT, mà cả công chúng cũng sẽ quay lưng với những sản phẩm của họ, vì một món ăn mà ăn mãi cũng nhàm, huống chi đó lại là món dở, thô thiển?