Là lĩnh vực được “chú trọng phát triển”, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị xác định Đà Nẵng “Trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch thương mại, tài chính, logistics công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…”. Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với nền kinh tế số, chính là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn, phục vụ Đà Nẵng phát triển kinh tế tầm nhìn 2030 - 2045.
Dự án công nghệ cao SMT là bước khai mở đầu tiên đối với định hướng phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin của Đà Nẵng. Cùng song hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin là các công viên phần mềm, khu công nghệ, vườn ươm, các tiểu dự án và hơn 341 ha hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất của dự án khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (viết tắt là Danang IT Park), trong đó 131 ha giai đoạn 1 đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 27/QĐ-TTg về việc thành lập, có hiệu lực từ ngày 06/01/2020. Song song, giai đoạn 2 của dự án Danang IT Park cũng sẽ sớm được triển khai khớp nối đồng bộ ngay sau khi UBND TP Đà Nẵng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
|
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, tham dự tại lễ |
Thống nhất với tầm nhìn của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 43, ngày 18/3/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Dự án Danang IT Park là dự án đầu tiên trong 5 dự án được ưu tiên phát triển về tài chính dự án lẫn về phân bố không gian sản xuất. Điều này hoàn toàn là nhờ vào sự độc lập tài chính và tố chất quyết liệt của Nhà đầu tư - Công ty Cổ phần Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng.
Là bước khai mở đầu tiên cho Đà Nẵng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Surface Mount Technology (viết tắt SMT) là ngành điện tử với công nghệ bo mạch, còn được gọi là dán bề mặt, là công nghệ chính được sử dụng để lắp ráp bo mạch trong sản xuất thiết bị điện tử. Việc sử dụng công nghệ SMT mang đến quá trình sản xuất tự động hóa cao, nâng cao năng suất hoạt động cũng như tạo sự linh động tích cực trong quá trình thay đổi cho các chi tiết sản phẩm điện tử.
Sử dụng công nghệ SMT, Trungnam EMS đưa vào hoạt động 3 dây chuyền sản xuất có công suất lên đến 6.200.000 sản phẩm trong một năm. Trungnam EMS cũng đang lên kế hoạch mở rộng khu sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại với nhà xưởng khu A2B4, trong đó tầng 1 có 8 dây chuyền sản xuất với công nghệ SMT và tầng 2 sản xuất linh kiện điện tử nhằm cung cấp thiết bị, sản phẩm điện tử đạt tiêu chuẩn quốc tế cho khu vực và thế giới.
|
Dự án công nghệ cao SMT |
Có 20 năm kinh nghiệm làm việc với các Công ty Công nghệ tại Thung Lũng Silicon, Hoa Kỳ, ông Peter Huynh, Giám Đốc Điều Hành Trungnam EMS, chia sẻ về tham vọng làm chủ quy trình sản xuất các sản phẩm, đạt quy chuẩn nghiêm ngặt do theo tiêu chuẩn công nghệ cao của Thung lũng Silicon. Điều này thực sự không dễ dàng khi Hoa Kỳ luôn được xếp hạng top 5 về tiêu chuẩn công nghệ thế giới. Muốn giải được bài toán này, ông phải trực tiếp tìm kiếm và tuyển dụng đội ngũ kỹ sư cao cấp, đạt được các tiêu chí và kinh nghiệm, tài năng và cống hiến gắn bó với dự án.
Ước tính một kỹ sư vận hành được một công đoạn dây chuyền SMT cần thời gian huấn luyện 180 ngày, đạt tối thiểu 5 chứng chỉ vận hành, tổng số lượng chứng chỉ cần đạt được là gần 50 chứng chỉ để toàn bộ đội ngũ kỹ sư vận hành được các dây chuyền này. Mức kinh phí đầu tư là hơn 45.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) cho một nhân sự, hoàn toàn do nguồn vốn độc lập của Trungnam EMS.
Với tham vọng lớn nhất là tiên phong làm chủ quy trình bằng nguồn vốn độc lập, tự chủ công nghệ và sở hữu đội ngũ vận hành 100% người Việt Nam, các kỹ sư vận hành dây chuyền của Trungnam EMS chính là hạt giống đầu tiên, mở được nút xoắn cho tình trạng “song song cung - cầu” của thị trường nhân sự.
Ông Peter Huynh nhấn mạnh: “Nhân sự của đất nước chúng ta rất giỏi, chất lượng tiếp thu kỹ thuật rất cao, vượt được rào cản ngôn ngữ, tuy nhiên chúng ta chưa thực sự chứng minh được việc này cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Đây là điểm nghẽn lớn nhất.”