Đà Nẵng lo ô nhiễm nguồn nước bởi dự án đốt rác của Quảng Nam

(PLVN) - Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) vừa có văn bản bày tỏ lo ngại về Dự án lò đốt rác thải sinh hoạt được xây dựng tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước. Trong khi đó chính quyền tỉnh Quảng Nam khẳng định công trình không làm ô nhiễm nguồn nước và lo lắng của Đà Nẵng… xa thực tế!
Đà Nẵng lo lắng nguồn nước về đập dâng An Trạch bị ảnh hưởng
Đà Nẵng lo lắng nguồn nước về đập dâng An Trạch bị ảnh hưởng

Ngành nước Đà Nẵng lo bị ô nhiễm

Ngày 25/1/2018, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Dự án lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP), tại Quyết định số 383/QĐ-UBND. Sau đó, ngày 15/11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 3460/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này. Dự án nhà máy đốt rác thải được xây dựng trên diện tích 7ha. Nhà máy đốt rác này đặt cách bãi chôn lấp rác thải hiện tại khoảng 400 mét.

Nguồn PLVN tìm hiểu tại Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam còn thể hiện, đây là dự án nhóm C, có quy mô công suất 120 tấn/ngày đêm. Dự án có tổng vốn đầu tư 63 tỷ đồng. Phương án tài chính sơ bộ: Vốn chủ sở hữu chiếm 30%, vốn huy động chiếm 70% phần vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án. Đơn giá xử lý rác tối đa: 284.000 đồng/tấn, việc điều chỉnh đơn giá do trượt giá hàng năm phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018- 2019.

Khi thông tin này chính thức công khai, Dawaco lập tức có văn bản bày tỏ lo ngại và cho rằng, Dự án nằm trên lưu vực sông Yên và đây là nguồn cung cấp nước chính cho TP Đà Nẵng. Dự án trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh các vấn đề như vận chuyển rác, khí thải, mùi hôi, nước thải xử lý rác cũng như nước rỉ rác, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Yên; vị trí xây dựng lò đốt rác xã Đại Nghĩa và xã Đại Hiệp cách xã Hòa Khương và đập dâng An Trạch chỉ khoảng 4km, do đó mức độ ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sông hiện đang cung cấp cho hơn 1 triệu người dân Đà Nẵng.

Quảng Nam nói gì?

Ngày 26/5, trao đổi với PLVN, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã tiếp nhận thông tin từ Dawaco, bản thân ông đã khảo sát khu vực đặt Nhà máy rác Đại Nghĩa và cho rằng lo lắng của Dawaco là quá xa, không phù hợp với thực tế. 

Theo ông Thanh, toàn bộ các hạng mục công trình của dự án Nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa được khép kín trong khuôn viên nhà máy, cách ly với môi trường bên ngoài. Phía ngoài tường rào có rãnh thu nước để toàn bộ nước bên ngoài không chảy vào khu vực nhà máy.

Rác thải được vận chuyển về đây sẽ đưa vào tập trung trong bể bằng bê tông thuộc khu nhà chứa khép kín rộng 3.168m2. Ngoài ra, công trình này còn có hệ thống thu gom khí tại bể chứa để dẫn về lò đốt, bổ sung không khí cho quá trình đốt theo chu trình khép kín. Vì vậy, ngay trong nhà máy cũng gần như không có mùi. Hơi nóng của lò đốt sẽ được tận dụng để sấy khô rác.

Nước rỉ rác có rất ít và được dẫn vào hệ thống 4 bể xử lý rồi chuyển qua chứa trong bể sinh học (dung tích tối đa 3.500m3). Nước thải vừa rất ít (tối đa 65m3/ngày) vừa được xử lý tuần hoàn, không xả ra bên ngoài (quá nhỏ so với dung tích hồ chứa). “Từ đó, chúng tôi khẳng định, về cơ bản không có nước bẩn do hoạt động của nhà máy xả thải ra môi trường thì lấy đâu ra nước đổ về sông Yên mà Dawaco lo ngại gây ô nhiễm”, ông Thanh quả quyết.

Trong khi đó, ông Hoàng Chung Kính, Giám đốc Chi nhánh môi trường đô thị Đại Lộc chia sẻ, nhà máy đốt rác này dự kiến khởi công rồi nhưng hiện đang vướng một số thủ tục nên chưa khởi công được. Hiện tại, bãi xử lý rác thải bằng cách chôn lấp gần đầy, dự kiến hơn 1 năm nữa đóng cửa.

Về vấn đề lo ngại ô nhiễm nguồn nước khi tiến hành xây dựng nhà máy đốt rác tại khu vực này, ông Hoàng Chung Kính nêu, khu vực này cách Sông Yên 4km theo đường chim bay, xung quanh khu vực dự kiến xây dựng nhà máy không có suối, cách xa khu vực dân cư.

“Hơn nữa, nhà máy này hệ thống xử lý nước tuần hoàn, hoàn toàn không thải nước ra bên ngoài và rác về xử lý trong vòng 24 giờ nên không có nước rỉ rác ra bên ngoài, không ảnh hưởng đến nguồn nước Sông Yên. Hiện công nghệ lò đốt này đã được Bộ KH&CN chấp nhận đủ quy chuẩn để hoạt động; đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng đã được phê duyệt”, ông Kính nói.

Đọc thêm