Ông Nguyễn Tựa, cử tri phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cũng như nhiều người khác chất vấn, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã tiêu tốn hàng chục tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ bãi rác. Đặc biệt, TP đang xúc tiến hàng loạt dự án như dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn, dự án cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn và đang xem xét việc hồi sinh dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam.
Thế nhưng, vấn đề cử tri quan tâm về thời gian và tiến độ thực hiện, tính khả thi của các dự án. Đặc biệt, dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn liệu khi nào sẽ được triển khai. Đối với bãi rác Khánh Sơn, liệu có di dời vào năm 2020 hay không? Nếu không di dời, TP có giải pháp nào để xử lý ô nhiễm?
Trả lời cử tri, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận tình hình thu gom rác thải tại khu dân cư hiện nay thực hiện không tốt. Đối với bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng đang khẩn trương thực hiện mở hộc rác số 6 và số 7 để có thể tiếp nhận rác sau khi hộc số 5 sẽ đầy vào tháng 9/2019.
Về vấn đề di dời, ông Hùng nhấn mạnh, trên thực tế, nếu có đóng cửa bãi rác, ở đây vẫn tồn tại điểm ô nhiễm môi trường. Đà Nẵng vẫn phải tiêu tốn ngân sách để duy trì các giải pháp kiềm chế ô nhiễm, đặc biệt lãng phí đất đai, tài nguyên vì bãi rác có diện tích hơn 30ha, hạ tầng đã được đầu tư bài bản.
Trong khi đó, UBND TP Đà Nẵng hợp đồng với Ngân hàng Phát triển Châu Á tư vấn Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), không khả thi.Dự án gặp khó khăn do vướng nhiều quy định pháp luật về hình thức đầu tư, hơn nữa hệ thống giao thông kết nối lên địa điểm này chưa có.
Môi trường vùng biển Đà Nẵng đang bị ô nhiễm do cống xả thải ven biển. |
Vì thế, theo ông Hùng, phương án triển khai bằng công nghệ đốt rác phát điện được thực hiện liên doanh của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam với Công ty Everbright International, một đối tác Hồng Kông, là cách giải quyết vấn đề môi trường rất đáng chú ý và cần tiến hành.
Ở vấn đề ô nhiễm nguồn nước, các cử tri đặt câu hỏi, dự án cải thiện môi trường nước đã được HĐND TP thống nhất chủ trương đầu tư với tổng mức kinh phí 1.448 tỷ đồng. Theo Kế hoạch, khởi công tháng 4/2019 và hoàn thành tháng 9/2020.
Đáng nói, thông tin là vậy nhưng hiện chưa tiến hành. Cử tri cũng băn khoăn, liệu sau khi hoàn thành, vận hành có chấm dứt được tình trạng nước bẩn đổ ra biển, tránh ô nhiễm đặc biệt các bãi tắm du lịch như hiện nay hay không?
Theo đoàn giám sát, trong điều kiện hạ tầng thoát nước nhiều khu vực bị quá tải cũng không thể từ chối thỏa thuận đấu nối. Việc yêu cầu các chủ đầu tư bỏ kinh phí để đầu tư hạ tầng bổ sung không thể thực hiện được do chi phí quá lớn.
Ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, giữ gìn môi trường vùng biển Đà Nẵng cũng chính là bảo vệ “nồi cơm” của TP, cơ cấu kinh tế du lịch mũi nhọn đã xác định không thể thiếu biển, các bãi tắm; giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá này chính là trách nhiệm của chúng ta hôm nay đối với thế hệ con cháu mai sau. Thế nhưng, việc quản lý hoạt động đối nối, xả thải hiện nay, ông Trung xác nhận, còn rất nhiều bất cập nên các biện pháp căn cơ khó thực hiện tốt…