Đặc sắc tết ông Công, ông Táo ở miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mâm cúng ông Công ông Táo của người dân miền Trung có rất nhiều lễ vật và một con ngựa có yên cương bằng giấy...

Đối với người dân ở miền Trung, lễ cúng ông Công ông Táo là tập tục rất được chú trọng. Người dân ở Huế hay một số địa phương lân cận sẽ thờ ông Táo ở hai nơi, gồm trang Ông và một bàn thờ nhỏ đặt ở bếp.

Các gia đình sẽ chuẩn bị chu đáo các bước trước khi thực hiện nghi lễ. Trang thờ được lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ, lư hương được thay cát mới. Sau khi thực hiện lễ, tượng ba ông Táo bằng đất nung sẽ được mang ra những nơi thông thoáng như miếu hoặc đặt dưới gốc cây cổ thụ ở ngã ba đường và hai trang thờ trong gia đình thay tượng ba ông Táo mới. Người dân quan niệm việc này chính là kết thúc “nhiệm kỳ cũ" và bắt đầu “nhiệm kỳ” trông coi bếp núc mới.

Mâm cúng ông Công ông Táo của người dân miền Trung có rất nhiều lễ vật và một con ngựa có yên cương bằng giấy.

Cho rằng cần xua đuổi tà khí, ma quỷ trong lúc các vị thần trông coi nhà cửa “về chầu trời" nên trong sáng 23 tháng Chạp, người dân sẽ có lễ dựng nêu ở trước sân nhà, sân đình và lễ hạ nêu thường sẽ diễn ra vào ngày mùng 7 tết.

Tết ông Công ông Táo là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt

Tết ông Công ông Táo là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt

Cũng giống nhiều địa phương khác trong cả nước, nhiều gia đình ở miền Trung có phong tục thả cá chép với quan niệm, cá chép sẽ hóa rồng để đưa ông Táo lên chầu trời, điều này cũng mang ý nghĩa cầu mong một năm mới tốt lành với thật nhiều may mắn, vạn sự như ý.

Chiều 30 Tết, các gia đình tổ chức cúng để rước thần về và vào sáng mùng 1 sẽ an vị ông Táo mới.

Chị Hồ Mỹ Na (Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Năm nay cũng như mọi năm, gia đình tôi đều chuẩn bị tươm tất mọi thứ để làm lễ ông Công ông Táo, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, bình an, thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc”.

Người dân ở Huế hay một số địa phương lân cận sẽ thờ ông Táo ở trang Ông và một bàn thờ nhỏ đặt ở bếp.
Người dân ở Huế hay một số địa phương lân cận sẽ thờ ông Táo ở trang Ông và một bàn thờ nhỏ đặt ở bếp.

Là giáo viên một trường mầm non trên địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), do đến trường giảng dạy nên sáng sớm tinh mơ chị Dương Thị Kim Liên đã đi chợ để mua đầy đủ hoa quả, bánh trái và nhiều đồ dùng cần thiết, chuẩn bị mâm cỗ tươm tất nhất "tiễn ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng".

“Tết ông Công ông Táo là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt, được duy trì từ rất lâu rồi. Mâm cỗ không cần đắt tiền, chỉ cần đầy đủ những món thông thường, có mặn, có ngọt, có ông Táo, cá chép... Tùy tiền biện lễ, quan trọng là tấm lòng, người ta hay nói "lễ bạc lòng thành". Với tôi, đây không chỉ là dịp để bày tỏ sự tri ân, lòng thành đối với các vị thần trong nhà mà còn là dịp để cầu mong cho gia đình bước sang năm mới may mắn, an lành", chị Liên nói.

Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống thường nhật vốn dĩ quá nhiều xô bồ, người Việt Nam vẫn quan niệm rằng bếp núc là nơi gốc rễ, nơi “giữ lửa” của hạnh phúc. Tập tục tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời như một sự nhắc nhớ về tầm quan trọng và cần thiết của việc vun vén tình cảm gia đình.

Đọc thêm