Đặc vụ FBI bị phim ảnh xuyên tạc như thế nào?

(PLO) - Khi làm phim có nội dung liên quan Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), tác giả kịch bản, nhà sản xuất không bắt buộc phải tham vấn cơ quan an ninh đặc biệt này, nên họ thường xây dựng chân dung các đặc vụ FBI không sát với thực tế, hoặc “bôi đen” hoặc “tô hồng” quá mức.
Minh tinh Jodie Foster trong vai học viên FBI Clarice Starling theo dấu kẻ giết người hàng loạt biến thái trong “Sự im lặng của bầy cừu”
Minh tinh Jodie Foster trong vai học viên FBI Clarice Starling theo dấu kẻ giết người hàng loạt biến thái trong “Sự im lặng của bầy cừu”

G Men (1935) báo hiệu sự chuyển hướng từ dòng phim vinh danh gangster hồi đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Thay vì tung hô kẻ cướp nhà băng và những tên buôn lậu khiến dân Mỹ đồng cảm trong giai đoạn Đại suy thoái, G Men tập trung vào tân binh FBI James Davis (diễn viên James Cagney thủ vai).

Theo James Neibaur, tác giả cuốn “Phim James Cagneynhững năm 1930”, không rõ Giám đốc FBI Edgar Hoover có liên quan việc sản xuất G Men hay không. Một số nguồn tin cho rằng, ban đầu, Hoover phản đối bộ phim, nhưng cuối cùng lại thay đổi ý kiến sau khi ra rạp xem. Neibaur viết rằng, Hoover tự ký tên vào đoạn miêu tả FBI trong kịch bản.

Từ những ngày đó, việc miêu tả các đặc vụ FBI trải qua nhiều thay đổi, thường đi cùng với cái nhìn của công chúng Mỹ đối với cơ quan an ninh quốc gia này. Trang tin Business Insider đã trò chuyện với ba đặc vụ FBI đã nghỉ hưu về việc Hollywood đặc tả FBI đúng sai thế nào so với thực tế.

Họ là Jerri Williams – tác giả cuốn "Pay to Play", Joe Navarro – tác giả cuốn "What Every Body is Saying" và Chris Voss – tác giả cuốn "Never Split the Difference: Negotiating As If Your Life Depended On It". Theo ba đặc vụ này, phim ảnh về đặc vụ FBI thường mắc 10 sai lầm sau.

FBI không hòa thuận với với các lực lượng khác

Trong nhiều cảnh trong các phim như Die Hard, Law and Order, Dexter…, các đặc vụ liên bang mặt lạnh như tiền, kiêu căng, tự phụ ào đến văn phòng hoặc hiện trường để giành quyền kiểm soát vụ án, cho lực lượng chấp pháp địa phương ra rìa. Cả ba cựu đặc vụ FBI đều cho rằng, cách miêu tả này thực sự gây khó chịu đối với những người như họ.

“Một cảnh sát trưởng hoặc thám tử địa phương đang làm việc về vấn đề gì đó, rồi FBI tới, nắm quyền và đối xử với mọi người một cách tệ bạc. Đó là điều tồi tệ nhất. Khi xem những cảnh này tôi nghĩ, không biết tác giả có ý tưởng gì trong đầu không nữa”, Williams nói.

Williams cũng cho rằng, việc “đóng đinh” FBI vào mẫu “tự xử”, “tự sướng”, “tự tung tự tác” như vậy khiến người xem, thậm chí khiến các cơ quan thực thi pháp luật địa phương và những đơn vị khác thiếu thiện cảm, nghi ngờ FBI. “Chúng tôi có thể phải đập tan một sự kháng cự nào đó trước khi chúng tôi làm công việc của mình, bởi vì người ta nghĩ chúng tôi là vậy”, Williams nói.

Một cảnh trong phim G Men
Một cảnh trong phim G Men

Navarro giải thích, khi một vụ việc thuộc thẩm quyền của FBI, cơ quan này sẽ thành lập một lực lượng chuyên trách cùng với các cơ quan chấp pháp địa phương. Ngoài ra, FBI có thể cung cấp một số nguồn lực điều tra mà các lực lượng cảnh sát cấp thấp không có. Navarro kể lại lần làm việc về một vụ bắt cóc ở bang Arizona, nơi FBI điều hơn 100 đặc vụ tới hỗ trợ cảnh sát địa phương. “Chúng tôi không chỉ là bước tới và nói, OK, các chàng trai, cô gái, giờ chúng tôi phụ trách”, Navarro nói.

Voss kể rằng ông có thể hiểu tại sao trong một số trường hợp, lực lượng thực thi pháp luật địa phương có thể có ấn tượng tiêu cực về FBI. Ông nhớ là trường hợp bắt giữ vợ của một đối tượng có tên trong thông báo truy nã đặc biệt của FBI dán bên ngoài một cửa hàng ở bang Pennsylvania.

Voss và đối tác của mình lái một chiếc xe bình thường tới khi họ bắt người phụ nữ. Điều đó khiến hai cảnh sát địa phương tình cờ đỗ xe gần đó giật mình. Tuy nhiên, Voss nói rằng, phim ảnh thường phóng đại vấn đề này, như The Negotiator có cảnh miêu tả các đặc vụ FBI có thái độ thù địch, tranh cãi với chính quyền, lực lượng địa phương về một vụ án. “FBI không hoạt động như vậy”, Voss nói.

Liên tục chiến đấu với sát nhân hàng loạt

Trong phim ảnh, các đặc vụ FBI thường xuyên phải chiến đấu với một kẻ thù đáng sợ - những kẻ giết người hàng loạt. Cuốn tiểu thuyết và bộ phim cùng tên Silence of the Lambs (Sự im lặng của bầy cừu) dường như khởi động cho xu hướng này.

Trong phim, Clarice Starling, nữ học viên của trường huấn luyện đặc vụ FBI, chống lại tên sát nhân tâm thần Buffalo Bill. Tương tự, các nhân vật trong phim truyền hình Criminal Minds săn lùng những tên giết người trên khắp nước Mỹ.

Williams, người từng làm đặc vụ FBI 26 năm và chủ yếu điều tra tội phạm kinh tế, nói rằng, dù FBI thực sự điều tra các tên sát nhân hàng loạt, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ đặc vụ xử lý những vụ như vậy. Việc miêu tả đặc vụ liên bang đấu trí với sát nhân hàng loạt dày đặc trên phim ảnh khiến người xem ấn tượng với những kẻ giết người hơn là cách thức FBI thực sự hoạt động.

Đặc vụ quan liêu, vô cảm

Voss, cựu chuyên gia thương lượng con tin của FBI và giám đốc điều hành của hãng Black Swan, nói rằng, phim truyện, phim truyền hình thực sự tác động tới ý kiến của nhiều người xem; họ nghĩ rằng các đặc vụ FBI là những nghiêm túc thái quá, vô cảm.

Williams kể rằng, khi còn làm việc, bà và đồng nghiệp thường xuyên kể chuyện cười. “Chúng tôi làm việc nghiêm túc, nhưng không có nghĩa là bản thân chúng tôi lúc nào cũng khó đăm đăm, không có lấy một nụ cười”, bà nói.

Theo Navarro, lối mô tả rập khuôn, sáo rỗng như thế trên phim ảnh khiến người xem có cảm giác FBI là một khối thống nhất gồm những con người mặc vest, đeo kính râm, sắt đá, nham hiểm. “Rõ ràng là hầu hầu hết đặc vụ FBI quan tâm vấn đề tội ác và an ninh quốc gia. Nhưng họ cũng có gia đình. Họ cũng có con cái, cũng nghỉ ốm, cũng lo lắng về vợ hoặc chồng mình, cũng dự tiệc sinh nhật như mọi người”, Navarro nói.

Phim truyền hình Quantico tập trung miêu tả những đặc vụ trẻ trong quá trình huấn luyện.
Phim truyền hình Quantico tập trung miêu tả những đặc vụ trẻ trong quá trình huấn luyện.

FBI bắt học viên thực chiến

Trong Silence of the Lambs, nhân vật chính bị kéo ra khỏi trường đào tạo đặc vụ của FBI để giúp săn tìm một tên giết người hàng loạt. “Buồn cười quá”, điều này không xảy ra trong đời thực, Williams nói. Bà khẳng định, phim truyền hình Quantico cũng có trường hợp tương tự.  “Những nhân vật này vẫn là học viên, thế mà họ được giao nhiệm vụ như vậy, những vụ án thực tế. Phim ảnh miêu tả vậy. Tôi không nghĩ thế”, Williams nói.

Luôn là công việc hành động

Các chương trình truyền hình, phim truyện miêu tả đặc vụ FBI làm việc, bao gồm The X-Files, Twin Peaks và 24, trong phần lớn thời lượng đều bỏ qua một khía cạnh quan trọng trong nghề nghiệp của họ: công việc bàn giấy, giấy tờ, sổ sách, tài liệu. “Mọi người không biết FBI phải xử lý khối lượng công việc bàn giấy lớn đến mức nào đâu. Nổ não luôn ấy”, Navarro nói.

Williams nói rằng giờ là nhà văn, bà hiểu tại sao phim ảnh muốn bỏ những cảnh miêu tả các nhân vật lặng lẽ hoàn thiện hồ sơ giấy tờ tại bàn làm việc. Họ phải bỏ những chi tiết đó để phim không kéo dài và buồn tẻ…/.

Đọc thêm