Sáng nay, 25/10, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau.
Đối với HĐND cấp huyện thì đa số ý kiến thống nhất. Đối với HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Trưởng ban) hoặc quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn một người.
Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Dự thảo Luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.
Trong đó phương án 1, giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Phương án 2, quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách. Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.
Thảo luận về Dự thảo Luật, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết, trên thực tế, hoạt động giám sát đòi hỏi chuyên môn rất cao. Một Phó Chủ tịch am hiểu trong lĩnh vực về đất đai, đô thi và một Phó Chủ tịch về xã hội, văn hóa. Hai vị trí này cần người có chuyên môn sâu.
ĐB cho rằng, quan trọng nhất là phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút nhiều cán bộ có trình độ năng lực làm đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách các cấp. Đây mới là gốc của vấn đề. Dù tăng biên chế, giữ nguyên hay như thế nào cũng không giải quyết được cái gốc là năng lực của cán bộ.
“Đây mới là cái gốc của vấn đề. Nếu không có thể dẫn đến việc rất phản cảm là có nhiều nơi người ta dùng đến từ “nghị gật” tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được, nhân dân thì "nóng", hội trường HĐND cấp huyện, xã thì rất "lạnh", không đại biểu nào có ý kiến”, ông Hiểu nói.
ĐB Võ Thị Như Hoa cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay phân định thẩm quyền tập thể và cá nhân còn rất chung chung, có tính chất nguyên tắc và theo một nhóm lĩnh vực quản lý Nhà nước. Do vậy, khi ban hành luật, nghị định hay thông tư thì không có tiêu chí phân định thiết kế thẩm quyền cá nhân giữa UBND và Chủ tịch UBND.
Theo nữ ĐB, trong thực tế, việc này thường hay quy định trao quyền cho tập thể, tức là UBND cấp tỉnh, dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào tập thể, trói buộc quyền và trách nhiệm cá nhân, hội họp nhiều, mất thời gian...
Để khắc phục tình trạng này, ĐB Hoa đề nghị cần bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc phân quyền theo hướng tập thể. UBND chỉ quyết định những vấn đề lớn, đa ngành, những vấn đề cần giải trình HĐND và Chính phủ.
Còn những vấn đề cụ thể, chuyên ngành thì trao quyền cá nhân đó là Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND quyết định. HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc sử dụng quyền lực của UBND thông qua hoạt động giám sát thường xuyên.
Có như vậy, hoạt động của cơ quan hành chính mới nhanh chóng, kịp thời, phát huy được trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ các cấp hành chính. Nếu có nguyên tắc này thì khi xây dựng luật, nghị định hay thông tư thì quy định về phân cấp, trao quyền cho địa phương sẽ có sự thống nhất hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn và hạn chế được sự tuỳ tiện trong trao quyền phân cấp trong các văn bản quy phạm pháp luật.