Đại biểu đề nghị thiến hóa học với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

(PLVN) - Trước thực trạng xâm hại trẻ em đang gây bức xúc cho trẻ em, tổn hại sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em hơn nữa, thậm chí có cả những biện pháp “mạnh” như thiến hóa học.
Phiên thảo luận sáng 27/5. Ảnh: Quochoi.vn
Phiên thảo luận sáng 27/5. Ảnh: Quochoi.vn

Qua nghe báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em được trình bày sáng 27/5 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) bày tỏ, ông cảm thấy buồn, còn qua tiếp xúc cử tri ai cũng bức xúc, mong muốn sớm bắt giữ, xử lý các đối tượng xâm hại trẻ em. Đối tượng xâm hại trẻ lại là bố mẹ, là ông nội, cha ruột xâm hại con gái... rồi bảo mẫu, thầy cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em với hành vi dã man, tàn khốc, thời gian kéo dài. 

“Các em dù cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo nhưng vẫn thiếu vắng một cơ chế bảo vệ hiệu quả, điều này khiến chúng ta không khỏi hồ nghi liệu còn bao nhiêu trẻ em kêu cứu trong tuyệt vọng mà chưa được hồi đáp, liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác lại tiếp tục phạm tội bởi pháp luật không đủ sức xử lý, răn đe? Những tổn thương về thể chất có thể đong đếm, nhưng tổn thương tinh thần mãi mãi còn trong lại trong ký ức lâu dài của trẻ, có thể làm cho trẻ suy sụp”, Đại biểu Phương cho hay. 

Ông cũng dẫn chứng những khó khăn trong xử lý các hành vi xâm hại trẻ em và đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tuyên truyền, đề nghị Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng, bổ sung hình phạt với tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em, mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh hồ sơ lý lịch để răn đe kẻ xâm hại, tránh xu hướng tái phạm. 

Theo Đại biểu Phương, nếu áp dụng hình thức thiến hóa học thì ít nhất sẽ giảm 50% tình trạng xâm hại tình dục trẻ em như đã diễn ra trong thời gian gần đây.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Mai Bộ thì đề nghị Chính phủ ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng xử lý không nghiêm hành vi vi phạm của cả người lớn và trẻ em mà Chỉ thị 23 hiện hành chưa đề cập; Đề nghị chính quyền địa phương phải coi hành vi lôi kéo, xúi giục trẻ em của người lớn là một hành vi xâm hại trẻ em. 

Ông Bộ cũng đề nghị tổ chức giám sát chuyên đề đối với Chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện những quy định liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính; đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an xã tham mưu cho Chủ tịch UBND xã xử lý nghiêm những hành vi lôi kéo, xúi giục trẻ em phạm tội của người lớn...

Đọc thêm