Đại biểu Quốc hội: "Chuyển hai dự án thành phần của đường cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công là không thuyết phục"

(PLVN) - Chiều 11/6, thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng: Việc chuyển 2 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sang đầu tư công rất không thuyết phục.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh.

Theo Đại biểu Đỗ Văn Sinh, việc triển khai nhanh dự án đường cao tốc Bắc - Nam là hết sức cần thiết, cần phải có nguồn vốn rất lớn trong điều kiện nguồn lực của nhà nước còn hạn chế. 

Chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là cần phải huy động thêm nguồn vốn, năng lực quản trị của khối tư nhân. Đồng thời, nhất quán quan điểm những dự án nào khó khăn, doanh nghiệp tư nhân không muốn đầu tư thì Nhà nước sẽ thực hiện đầu tư công, các dự án còn lại sẽ thực hiện đầu tư PPP. 

Theo đó, dự án cao tốc Bắc - Nam được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án lưu lượng và giá trị thương mại thấp, khó thu hồi vốn nên Quốc hội đã quyết định đầu tư công. 3 dự án thành phần còn lại có lưu lượng vận tải giá trị thương mại cao hơn Quốc hội đã quyết định đầu tư PPP.

Hiện Chính phủ đề xuất chuyển thêm 3 dự án sang đầu tư công là do tuy đến nay có 7/8 dự án thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên qua vòng sơ tuyển nhưng dự báo khó có nhà đầu tư nào có thể thực hiện được dự án vì họ không có thế mạnh về tài chính và khả năng huy động vốn tín dụng. Nếu chuyển sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

“Ngoài ra, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật PPP, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, trong đó có những cơ chế đột phá như đảm bảo cân đối ngoại tệ, chia sẻ tăng giảm doanh thu sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư các dự án PPP.
Do đó, việc xem xét chuyển 3 dự án sang đầu tư công ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật PPP, thực sự là một sự trăn trở, khó khăn đối với tôi và các đại biểu”, ông Sinh nói.
Ba dự án đó cụ thể là: Đối với dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết do không có nhà đầu tư nào qua vòng sơ tuyển. 

Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng ở đây cần phải làm rõ việc bố trí nguồn vốn ngân sách cho các dự án thành phần. Tổng vốn ngân sách nhà nước là 55.000 tỷ đã bố trí 50.812 tỷ còn dư 4.188 tỷ. Nếu Chính phủ phân bổ thêm 4.188 tỷ này cho dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì tỷ lệ vốn ngân sách khoảng 70%, chắc chắn sẽ có nhà đầu tư trúng sơ tuyển, vì dự án liền kề là Cam Lâm - Vĩnh Hảo có lưu lượng thấp hơn 33%, tỷ lệ vốn ngân sách chỉ là 68% nhưng cũng có đến 4 nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

Đối với dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây có lưu lượng vận tải giá trị thương mại cao nhất trong 8 dự án thành phần, sau khi đầu tư công xong sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí. Thời gian thu hồi vốn của dự án Phan Thiết - Dầu Giây ngắn nhất khoảng 14,58 năm.

Qua tham vấn 19 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển của 7 dự án thành phần thì hầu hết đại diện các nhà đầu tư khẳng định đều có đủ năng lực tài chính, khả năng huy động vốn để thực hiện dự án, sẵn sàng đặt cọc để tham gia đấu thầu. Nhiều đại biểu cho rằng các dự án do khối tư nhân đầu tư thì thời gian triển khai sẽ nhanh hơn, chất lượng sẽ đảm bảo hơn so với đầu tư công. 

Việc triển khai dự án đến nay đã quá chậm so với yêu cầu đặt ra, chúng ta cần gác lại những tồn tại trong quá khứ và cùng quyết tâm chính trị để triển khai ngay dự án này. Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng việc chuyển 2 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sang đầu tư công rất không thuyết phục và sẽ nảy sinh những vấn đề sau đây:

Một là bị mâu thuẫn và đi ngược lại với chủ trương, các tiêu chí là căn cứ để Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam. Vì 2 dự án này có lưu lượng vận tải và giá trị thương mại cao nhất cần phải ưu tiên đầu tư PPP.

Hai là tổng số vốn ngân sách Nhà nước bổ sung thêm cho dự án và phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 thuộc thẩm quyền phân bổ của Quốc hội khóa XV là 23.461 tỷ đồng.

Ba là các dự án thành phần này thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ. Theo đó, phải thực hiện trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo Luật Đầu tư công. Vì vậy, không thể triển khai tiến độ mà theo Chính phủ đã ký kết trong Báo cáo. 

Để đảm bảo khách quan, minh bạch, khoa học, hiệu quả, Đại biểu Sinh đề nghị trước khi thông qua Nghị quyết, Quốc hội lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội để lựa chọn 1 trong 2 phương án sau đây: Phương án thứ nhất là chuyển dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sang đầu tư công cũng là 3 đoạn. 

Phương án thứ hai cũng 3 đoạn là Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây chuyển sang đầu tư công.

Đọc thêm