Đại biểu Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán việc tăng giá điện

(PLVN) - Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội sáng nay (22/5), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) bày tỏ băn khoăn về giá điện. 
ĐB Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) phát biểu tại phiên họp.
ĐB Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) phát biểu tại phiên họp.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng nay, Quốc hội thảo luận tại tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) bày tỏ băn khoăn về giá điện. Dẫn số liệu tham khảo từ chuyên gia kinh tế, ĐB Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) cho rằng, trên thực tế, giá điện thực chất mức tăng là 10%, 12,7%, 14,2%, 15% chứ không phải tăng 8,36% như EVN công bố.

“Vấn đề đặt ra ở đây chúng tôi cần sự minh bạch của điện lực về mức giá đúng của 1 kWh điện. Có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua”, ĐB đề nghị.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cũng nêu băn khoăn của cử tri về việc giá điện tăng và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán giá điện. 

“Cái quan trọng nhất là lòng tin về sự minh bạch của chúng ta trong điều hành giá cả. Kiểm toán thành công thì dùng tăng hay giảm người dân cũng cảm thấy minh bạch”, ĐB Cầu nhấn mạnh.

ĐB Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) nêu tình trạng giá xăng từ đầu năm đến nay tăng đến 5.000 đồng/lít. Giá điện cũng tăng vọt. 

“Các đồng chí nói tăng 8,36%, không ảnh hưởng gì nhưng tăng như vậy cũng là “kinh khủng khiếp”. Tiền điện của tôi trước chỉ khoảng 560.000 đồng nhưng tháng này tăng lên đến 900.000 đồng. Như vậy, mọi lý giải của Chính phủ về vấn đề đó đều vô nghĩa đối với nhận thức của nhân dân, với tình cảm của nhân dân, với những suy nghĩ, trăn trở của nhân dân về cách hành xử của Chính phủ nói chung hay nói cụ thể của bộ, ngành nào đó”, ĐB nói.

Theo ĐB Dũng, những động thái như vậy liên quan đến người dân “rất là bất cập”. “Tại sao chúng ta không tính một lộ trình tăng vào thời điểm đang mùa đông đi, ví dụ vào cuối tháng 11 hay tháng 12 đi? Tại sao lại tăng vào đúng thời điểm mùa hè này? Chọn thời điểm tăng có hợp lý không? Tự nhiên chúng ta như vậy là “lấy đá ghè chân” chúng ta chứ có gì đâu. Làm gì thì làm, cơ quan nào tham mưu như vậy, ai quyết vấn đề này? Tôi nghĩ phải rút kinh nghiệm trước Quốc hội về vấn đề liên quan đến chuyện tăng giá xăng, giá điện”, ĐB nói.

Cho rằng bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất chỉ nên áp dụng 3 bậc thang giá điện. Trong đó, bậc 1 áp dụng từ 0 đến 100 kWh, bậc 2 áp dụng từ 101 đến 300 kWh và bậc 3 từ 301 kWh trở lên.

Đọc thêm