Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) dẫn chứng, theo thống kê của cơ quan chức năng, hàng năm, khoảng 75% các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ người nghiện ma túy. Những vụ án mạng nghiêm trọng gần đây cho thấy, đối với đối tượng gây án là người nghiện ma túy thì bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân và bất cứ hành vi tàn nhẫn nào cũng có thể diễn ra.
Mới đây nhất, chúng ta đã chứng kiến hai đối tượng nghiện ma túy đã sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng. Vấn đề đặt ra là dường như đang có nhiều bất cập trong quản lý người nghiện ma túy tại cộng đồng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. |
Vì vậy, Đại biểu Hoa đồng tình với việc dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và ghi nhận Điều 54 quy định vấn đề này là biện pháp phòng ngừa, chứ không phải biện pháp xử lý hành chính.
Đây là cách tiếp cận dựa trên quyền, tạo ra cách nhìn mới, cách nhìn nhân văn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng và có tính nhân văn với cả cộng đồng - là ngăn chặn các hành vi vi phạm của người sử dụng trái phép chất ma túy.
Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn, Đại biểu Hoa góp ý cần cân nhắc thêm về thời hạn quản lý 1 năm với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và 6 tháng với người dưới 18 tuổi liệu có hạn chế quyền của người dưới 18 tuổi với người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Hay về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thì theo dự thảo Luật, gia đình có người sử dụng trái phép chất ma túy phải thông báo với Công an cấp xã nơi cư trú; cơ quan, tổ chức phát hiện hành vi có trách nhiệm thông báo với Công an nơi gần nhất thì theo Đại biểu Hoa, việc thông báo của gia đình đang là vướng mắc nhiều nhất.
"Chúng ta đã có quy định này nhưng không quy định cách thức thông báo như thế nào và liệu Công an cấp xã có đủ điều kiện, khả năng kiểm chứng hay không. Nếu không quy định rõ ràng thì quy định này cũng chỉ mang tính hình thức" - đại biểu Hoa nêu vấn đề.
Cũng dẫn chứng vụ án nữ sinh Học viện Ngân hàng bị sát hại bởi hai đối tượng nghiện ma túy, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) còn nhắc lại vụ cháu bé 3 tuổi bị mẹ ruột và bố “hờ” hành hạ xuất phát từ việc sử dụng ma túy. Theo ông, việc sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng và phức tạp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính. (Ảnh: TTXVN) |
Thống kê cho thấy, tháng 12/2009, cả nước có 146.731 người nghiện ma túy thì năm 2019 là 235.314 người nghiện, tăng 60%. Đây chỉ là thống kê người nghiện có hồ sơ quản lý, còn trong thực tiễn con số người sử dụng trái phép ma túy, người nghiện còn cao hơn nhiều.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó, theo Đại biểu có việc Bộ luật Hình sự đã bỏ Điều 199 về tội sử dụng trái phép chất ma túy, theo đó sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm mà chỉ là con bệnh, chế tài xử lý với họ là xử lý hành chính, phạt tiền hoặc đưa vào cai nghiện. Còn Luật Phòng chống ma túy chưa quy định rõ đối với đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, hầu hết những người này không được kiểm tra, giám sát.
Họ vẫn tồn tại bên ngoài xã hội, hiện nay Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý nên người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện có xu hướng tăng cao.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa đồng bộ, nhận thức về tác hại của ma túy và ý thức tự giác của người sử dụng trái phép chất ma túy hạn chế, nhiều trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy chưa tự chủ, quyết tâm thoát khỏi ma túy.
Hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy rất lớn, nhiều trường hợp sử dụng sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp, ngáo đá không kiểm soát được hành vi của mình, gây ra các hậu quả vô cùng đau xót, thậm chí với chính người thân của mình, gây hoang mang, bất bình trong dư luận như những trường hợp đau lòng trên.
Đại biểu Chính khẳng định việc sửa đổi Luật là rất cần thiết và đồng tình với việc bổ sung thêm một số quy định hoàn toàn mới, tăng thêm thẩm quyền cho Công an xã trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy tại nơi cư trú.
Theo ông, Công an xã là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở nên tăng thẩm quyền và bổ sung quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cho cho Công an xã là phù hợp.