Đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra hiện tượng "cửa sau" trong chọn sách giáo khoa mới

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng nêu phản ánh của cử tri ngành Giáo dục là ở nhiều địa phương, quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng. Đặc biệt, dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này. 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy

Tại phiên thảo luận ngày 13/6 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ tập trung vào đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phổ thông. 

Bên cạnh những kết quả cơ bản đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, Đại biểu Thúy không ngần ngại cho rằng, đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. 

“Việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của bộ bằng ngân sách nhà nước trong bối cảnh này vừa không cần thiết, vừa khó bảo đảm chất lượng và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa”, bà Thúy khẳng định. 

Từ đó, bà tán thành việc Quốc hội chấp thuận đề nghị của Chính phủ là không tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước và giao cho Chính phủ đàm phán lại với Ngân hàng thế giới để sử dụng vốn vay này vào việc khác thiết thực, hiệu quả hơn. 

Đặc biệt, Nghị quyết 88 trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01 năm 2020 hướng dẫn thực hiện quy định này. Nhưng theo phản ánh của cử tri ngành Giáo dục, thực tế ở nhiều địa phương, quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng. Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này. 

Để thực hiện thành công việc đổi mới chương trình giáo dục sách giáo khoa phổ thông, bà Thúy đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ hữu quan và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng và đầy đủ vai trò quản lý nhà nước trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập huấn giáo viên, triển khai đánh giá kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1 và các lớp khác. 

Xem xét việc kê giá sách giáo khoa hàng năm của các nhà xuất bản để bảo đảm giá cả hợp lý. Tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước chính là điều kiện để việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phát triển đúng hướng, ngày càng có chất lượng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, bảo đảm điều kiện về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất để triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Bởi bà Thúy biết nhiều địa phương chưa đủ phòng học, chưa đủ giáo viên để khắc phục tình trạng lớp học quá đông học sinh. Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở toàn bộ cấp tiểu học. Không ít địa phương khó tuyển đủ giáo viên ngoại ngữ, tin học. Đáng tiếc, báo cáo của Chính phủ chưa đưa ra được những thống kê cụ thể và nêu các biện pháp khắc phục khó khăn trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, tạo tâm thế phấn khởi, sẵn sàng đổi mới cho đội ngũ giáo viên trước cuộc đổi mới quan trọng trong giáo dục phổ thông. Bà Thúy dẫn chứng về tình trạng hàng nghìn giáo viên hợp đồng không thời hạn ở Hà Nội có nguy cơ mất việc làm cách đây 7 tháng không được giải quyết, thậm chí có thời điểm có khả năng bị bẻ lái theo hướng khác nhưng rất may là mới đây nhất, cử tri phản ánh về việc Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. 

“Tôi hy vọng ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy sẽ được chấp hành nghiêm túc và sẽ góp phần tạo ra tâm lý phấn chấn cho anh, chị em giáo viên trước thềm năm học mới”, bà Thúy bày tỏ. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh.
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh.

Tiếp lời với Đại biểu Thúy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo trong thời gian tới cần tăng cường các biện pháp để đảm bảo chất lượng, thông qua Hội đồng thẩm định về nguồn lực, về nhân lực để thẩm định sách giáo khoa có chất lượng một cách công khai, minh bạch và xây dựng cơ chế về giá, vì hiện nay theo chương trình sách giáo khoa mới thì giá sách giáo khoa sẽ do nhà xuất bản định giá, báo cáo về Bộ Tài chính. 

“Bộ Giáo dục cũng như Chính phủ cần có biện pháp để quản lý tốt hơn, làm sao cho tất cả các em học sinh đều có thể có cơ hội được tiếp cận với bộ sách giáo khoa tốt nhất. Đồng thời, chỉ đạo việc cung cấp, hỗ trợ sách giáo khoa cho các trường học, thư viện vùng khó khăn cũng như hỗ trợ sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, bà Thanh đề nghị. 

Cũng theo bà Thanh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình trong việc hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở, lựa chọn sách giáo khoa cho phù hợp, đảm bảo đúng quy định, tránh các hiện tượng tiêu cực và những ý kiến không hay đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, tạo được niềm tin trong xã hội trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Đọc thêm