Những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật năm 2009, giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý.
Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế khiến nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu mua sắm.
Theo đại biểu, sai phạm do thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Do vậy, đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần giải quyết những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế, phải giải quyết những quy định bất hợp lý như mô hình quản lý kiêm nhiệm chuyên môn và quản lý điều hành.
Đại biểu Nguyễn Công Long nhấn mạnh, nước ta là một trong số ít quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm.
"Giám đốc bệnh viện công là những người giỏi chuyên môn, y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa phòng đi lên, tuy nhiên họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động của bệnh viện. Điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý trang thiết bị, nguồn nhân lực, hạ tầng… làm chất lượng khám chữa bệnh kém đi, thiếu tính chuyên nghiệp", đại biểu nói.
Đại biểu Long cũng nêu ra thực tế, hiện nay các trường y chỉ chú trọng đào tạo các chuyên ngành y khoa, y đa khoa, cử nhân điều dưỡng… mà không chú trọng đào tạo quản lý bệnh viện.
Vị đại biểu này cho rằng, không phải cho đến bây giờ khi hàng loạt lãnh đạo quản lý bệnh viện sai phạm, xử lý hình sự chúng ta mới thấy mà sự bất cập mà đã xuất hiện từ lâu.
Vẫn theo đại biểu, từ năm 1945 đến nay, trong ngành y tế luôn có hiện tượng người giỏi chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo luôn phải có sự lựa chọn một trong hai.
Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, đối với những người chấp nhận vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lý thì rất khó hoàn thành cả 2 nhiệm vụ.
"Chúng ta thử hình dung, một bác sĩ bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý cứu bệnh nhân thì đầu óc lại đang bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B nào đó. Ai cũng hiểu trong gói thầu, hợp đồng đó có vô số lợi ích của những cơ man các mối quan hệ chằng chịt, nếu không thắng nổi, xử lý hết mối quan hệ đó thì vào tù là sớm hay muộn", vị đại biểu phân tích.
Đại biểu nhấn mạnh, ngành y tế đã thấy rõ những bất cập, hạn chế trên khi nhiệm kỳ trước, Bộ đã trình Chính phủ về chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, cùng với đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, bệnh viện công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành.
Dự kiến sẽ thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành là CEO, thay những nhà quản lý chuyên môn bằng những nhà quản lý chuyên nghiệp. CEO không cần giỏi về y khoa mà cần giỏi về quản lý điều hành.
Theo đại biểu, điều này nhằm tạo ra bước đột phá, nâng cao chất lượng bệnh viện, đảm bảo minh bạch và hiệu quả quản lý bệnh viện công phù hợp với xu hướng của thế giới, quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng của bác sĩ là chăm sóc cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ tiếc nuối khi những nỗ lực đó chưa hiệu quả, theo đánh giá, quá trình triển khai mô hình trên gặp phải hai rào cản chính là nhận thức và thể chế.
Trước thực trạng đã và đang diễn ra, đại biểu nêu rõ, sự đổi mới về quản trị y tế công là rất cấp thiết. Đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét một số vấn đề như sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn, hoạt động quản lý bệnh viện công. Đồng thời cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng, Chương III của dự thảo Luật mới tập trung sửa đổi các quy định và các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà không quy định tiêu chuẩn về điều kiện hành nghề quản lý.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cần xem xét quy định các tiêu chuẩn về nhân lực quản lý, đây là một tiêu chí bắt buộc nhằm đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung thế giới.
Theo đại biểu, Điều 49 của dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới chỉ tập trung vào tiêu chuẩn các chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật mà không có các tiêu chuẩn về quản lý.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đề xuất thực hiện mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo quy hoạch đã nghiên cứu giai đoạn trước đây.
Cần quy định cụ thể về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế
Khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm khắc phục nhất bất cập hạn chế, nhất là đã bộc lộ trong giai đoạn phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc hoàn thiện luật vừa làm kim chỉ nam cho ngành y tế vượt qua khó khăn trước mắt và định hướng phát triển lâu dài.
Góp ý về quy định chia hệ thống cơ sở khám bệnh chữa bệnh thành 3 cấp (cấp ban đầu, cấp cơ bản, cấp chuyên sâu) như được nêu trong dự thảo Luật, đại biểu cho rằng nội dung sửa đổi phù hợp với Nghị quyết của Trung ương.
Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị, dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc sắp xếp lại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; quan tâm khám chữa bệnh ban đầu.
Vẫn theo đại biểu, dự thảo Luật chưa có định nghĩa về y tế cơ sở, chưa rõ phạm vi y tế cơ sở, mối liên hệ y tế cơ sở và cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.
Việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn khi quy mô dân số hơn 100.000 dân nhưng vẫn chỉ có 1 trạm y tế. Theo đại biểu, tổ chức lại hệ thống y tế là giải pháp căn cơ song cần mô hình cụ thể.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng, khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình y học gia đình kết hợp khu vực tư nhân và trạm y tế, đặc biệt kết nối giữa khám chữa bệnh ban đầu với các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc, hài hòa nguồn thu giữa các tuyến…
Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về khám chữa bệnh ngoài địa điểm hành nghề, làm rõ cơ chế huy động thu hút xã hội hóa trong khám chữa bệnh.
Cũng băn khoăn về quy định về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, dự thảo Luật chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến Kết luận ngày 25/4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Kết luận nêu rõ là phải nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay vào trong dự án Luật này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại phiên họp. |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Do đó, nếu như Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa; liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại và sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân và mang lại lợi ích cho nền Y tế nước nhà.
Từ những ý nghĩa trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra 3 kiến nghị. Một là, quy định cụ thể vào trong dự án Luật này những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Thứ hai, bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm. Thứ ba, cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.
Có chung quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhất trí với các chính sách của Nhà nước được quy định trong dự thảo Luật về việc Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Song, đại biểu cho rằng các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật chưa thể chế được đầy đủ chủ trương xã hội hóa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 90 dự thảo Luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập, chưa cụ thể chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài công lập, chưa có phân tách vùng thuận lợi vùng khó khăn để khuyến khích đầu tư vào vùng khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát lại quy định này nhằm bảo đảm đồng bộ, minh bạch.