Tại phiên họp, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Công chức không nên sáng tạo ngoài quy định?
Tại phiên họp, phát biểu tranh luận với một số ý kiến liên quan đến tăng lương, cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề.
|
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh |
“Nếu tăng lương thì tăng bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp trên thế giới. Hơn nữa, ngoài tăng lương, chúng ta cũng có thể nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động”, đại biểu nói.
Phân tích thêm, đại biểu chỉ ra một số giải pháp như cung cấp bằng chính sách nhà ở xã hội, con cái được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng như một số nước trên thế giới đang áp dụng; chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ.
Theo đại biểu, giải pháp này hầu hết được các nước áp dụng và chính sách ưu đãi thu hút nhân lực và khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá và lạm phát cao, tăng lương khó có thể gánh vác hết.
Mặt khác, đại biểu cho rằng chúng ta phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công vì năng suất thấp nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân.
“Chúng ta chưa đưa thiết kế được quy trình làm việc khoa học, các quy định, hướng dẫn, tập huấn chưa đầy đủ; nghị định, thông tư, luật định còn nhiều cách hiểu dẫn tới công chức không biết đâu mà làm, mạnh dạn làm thì lúc đúng lúc, sai cho nên không hiệu quả, năng suất thấp”, đại biểu nhận định.
Đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ khó đưa ra được hành lang pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì công chức chỉ làm theo các quy định, không nên sáng tạo ngoài quy định.
“Quy trình sáng tạo khi cần có sự thay đổi tốt hơn cả vẫn là các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu mổ xẻ, có quy trình hội thảo phản biện, đánh giá tác động đầy đủ, chín muồi rồi áp dụng”, đại biểu nói.
Về phân cấp phân quyền, đại biểu kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa về phân cấp, phân quyền cho địa phương trong một số lĩnh vực.
Làm rõ nguyên nhân do vướng mắc chính sách
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) ghi nhận Báo cáo đánh giá bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và đầu năm 2023 của Chính phủ đã nêu nhiều kết quả tích cực, tạo niềm phấn khởi cho cử tri.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, có 2 trên 15 chỉ tiêu được giao là chưa đạt, phản ánh chất lượng tăng trưởng. Đặc biệt, chỉ tiêu năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu 5,5% trong Nghị quyết của Quốc hội nhưng chưa được phân tích kỹ để tìm nguyên nhân tại sao thường xuyên không đạt chỉ tiêu này.
“Nếu không tìm đúng nguyên nhân thì sẽ không có giải pháp và như vậy, năm 2023 lại có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu này. Đây là chỉ tiêu cực kỳ quan trọng, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình vì không thể tăng GDP liên tục tốc độ cao mà chỉ dựa vào vốn và lao động giá rẻ như thời gian trước đây”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu chỉ ra rằng, trong phần nguyên nhân hạn chế, báo cáo nêu chủ yếu do tác động từ bên ngoài và cũng thẳng thắn nhìn nhận có tâm lý đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Song, phần nguyên nhân do vướng mắc các chính sách cũng chưa được đề cập cụ thể, để thấy những vướng mắc nào đang gây cản trở phát triển kinh tế, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát tất cả các vướng mắc trong Luật Đất đai hay Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công hay các văn bản pháp luật hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn để có giải pháp tháo gỡ, kích thích kinh tế phát triển, khắc phục hiện tượng tăng trưởng chậm trong những tháng đầu năm 2023.
Trước đó, phát biểu tại phiên họp chiều 31/5, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) đề cập đến chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức.
Theo đại biểu, tháng 10 tới đây, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị.
“Chúng ta đều biết, chính sách tiền lương là chính sách vô cùng quan trọng, một chính sách tiền lương đúng đắn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến xã hội”, đại biểu nói.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết số 27, theo đó, hàng năm cần dành 50% tăng thu dự toán, 70%, tăng thu ngân sách thực hiện của ngân sách địa phương và 40%, tăng thu ngân sách trung ương để cho cải cách tiền lương.
Thứ hai, cần tuân thủ đúng trật tự ưu tiên trong phân bổ nguồn tăng thu. "Năm 2022 chúng ta tăng thu khá lớn, ngân sách trung ương là 195.000 tỷ, ngân sách địa phương là 208.000 tỷ, số chuyển nguồn cải cách tiền lương là 269.000 tỷ và trong nguồn lực này thì cần ưu tiên để có nguồn lực tương xứng cho chính sách cải cách tiền lương", đại biểu nói.
Thứ ba, cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai. “Chỉ khi chúng ta có mức đầu tư tương xứng thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước chúng ta không thiếu người tài, không thiếu những người tâm huyết, muốn cống hiến ngay trên đất nước mình, nhưng thực sự cần một chính sách đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động”, đại biểu nhấn mạnh.