Đại biểu Quốc hội tranh luận về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn

(PLVN) - Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng nay, 19/6, đại biểu Quốc hội còn ý kiến khác nhau về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn.
 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng việc xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư là cần thiết. Bởi, theo đại biểu, nhà ở có tuổi thọ nhất định, sau thời gian cần được cải tạo xây mới để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng.

"Tuy nhiên, thực tiễn vấn đề này khá phức tạp và đề nghị Bộ Xây dựng cần thống kê để phân loại các trường hợp đánh giá tác động về kinh tế - xã hội để có cơ sở xem xét", đại biểu nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc dự thảo Luật đã đưa việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư từ một mục với 7 điều thành 1 chương với 13 điều.

Theo đại biểu, khó khăn trong việc phá dỡ, cải tạo chung cư cũ hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ quy định nhà chung cư cũ được sở hữu vĩnh viễn (sở hữu không thời hạn).

“Vì sở hữu không thời hạn nên người ta có quyền, người ta không đồng ý thì không thể phá dỡ được. Rất may là các nhà chung cư cũ hiện nay đang là nhà thấp tầng, do đó, nhà đầu tư đầu tư vào có thể nâng cao tầng lên, mới có điều kiện để thỏa thuận đền bù cho người sở hữu chung cư đó theo một hệ số nào đó. Tuy nhiên, trong tương lai, khi các chung cư cũ đều là nhà cao tầng thì khi nhà chung cư đó phải phá dỡ thì không có chuyện nâng cao tầng nữa, tất cả những người đang ở đó nếu muốn có nhà mới phải tự bỏ tiền, không có nhà đầu tư nào bỏ tiền thay cho. Như vậy, chúng ta quy định sở hữu dài hạn hay có thời hạn thì thực chất khi nhà chung cư đó hết thời hạn sử dụng thì quyền của cư dân cũng không còn gì, có chăng là quyền sở hữu nhà ghi trên giấy chứng nhận”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Do đó, đại biều đề nghị quy định thời hạn sở hữu chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế. Theo đại biểu, nếu quy định như vậy sẽ mang lại 2 “cái lợi”.

“Thứ nhất, người dân sở hữu nhà sẽ chỉ trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế đó thay vì trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn nhưng thực chất đến thời hạn phá dỡ vẫn phải bỏ tiền ra. Bên cạnh đó, nếu quy định nhà sở hữu theo tuổi thọ công trình thì giá nhà sẽ khác so với giá nhà sở hữu vĩnh viễn.

Đứng về mặt xã hội, quy định như vậy sẽ tránh được tình trạng nếu những nhà này hết thời hạn nhưng vì chúng ta quy định sở hữu vĩnh viễn nên không phá dỡ được nếu có 1 vài người không đồng tình, kéo theo tình trạng nhà chung cư sập xệ như hiện nay”, đại biểu nói.

Từ đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị quy định thời hạn sở hữu theo thời hạn thiết kế nhưng đi kèm theo đó là quy định khi đến thời hạn công trình thiết kế, nếu tiến hành đánh giá vẫn đảm bảo thì quyền sở hữu của người dân được kéo dài.

Đồng thời, đại biểu đề nghị quy định đất dành cho xây dựng nhà chung cư không phải là đất giao vĩnh viễn mà phải là đất cho thuê theo thời hạn xây dựng và trả tiền một lần, khi hết thời hạn thời hạn xây dựng thì cho thuê lại như quy định đối với đất cho thuê các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tranh luận về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Hồ Chí Minh) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận.

Bên cạnh đó, một nơi ở dài hạn từ thế hệ này qua thế hệ khác là nhu cầu tinh thần rất lớn, củng cố quan hệ gia đình.

“Ở nước ngoài, có những chung cư hàng trăm năm, tất nhiên người ta có sửa chữa trở thành những khi di tích, có thể làm nên hồn cốt của đô thị đó. Đây là điều chúng ta phải thiết kế”, đại biểu nói.

Đại biểu đề nghị có phương án duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn hoặc lâu dài đồng thời với chung cư có thời hạn và để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn.

“Hai cái này phải kết hợp với nhau, không nên chọn một thứ vì trong tương lai phải khuyến khích nhà ở lâu dài, tuổi thọ càng cao càng tốt”, đại biểu nêu quan điểm.

Về vấn đề đảm bảo an toàn, đại biểu cho rằng cần quy định rõ, với chung cư sở hữu dài hạn, cần tuân thủ các quy chuẩn về an toàn, an ninh.

“Ở Singapore, những nhà ở thương mại có thể sở hữu lên đến hàng trăm năm nhưng khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa thì các công ty phát triển bất động sản sẽ thương thảo với người dân để mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới”, đại biểu nêu ví dụ.

Đọc thêm