Đại biểu Quốc hội "truy" trách nhiệm “tư lệnh ngành”

"Chính phủ phải đánh giá thực chất những tồn tại, yếu kém trong điều hành nền kinh tế, làm rõ trách nhiệm của từng ngành và “Tư lệnh” ngành đó" là ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại Tổ về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, hôm qua.

"Chính phủ phải đánh giá thực chất những tồn tại, yếu kém trong điều hành nền kinh tế, làm rõ trách nhiệm của từng ngành và “Tư lệnh” ngành đó" là ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội, hôm qua, khi thảo luận tại Tổ về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Hôm qua, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu “truy” vấn đề trách nhiệm của các “tư lệnh ngành”
Hôm qua, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu “truy” vấn đề trách nhiệm của các “tư lệnh ngành”.

Kết quả không tích cực

“Các khó khăn ngày càng đi sâu vào nền kinh tế. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách tích cực, nhưng kết quả mới là bước đầu và trong nhiều vấn đề như giải quyết nợ xấu, thị trường bất động sản, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, an toàn thực phẩm… lại chưa đạt được, kết quả không tích cực”, nhiều ĐBQH đánh giá như vậy về nỗ lực của Chính phủ trong việc khắc phục khó khăn của nền kinh tế.

ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) đã cảnh báo và chỉ ra những “lỗi” gây ra tình trạng “nền kinh tế rơi vào trì trệ, suy giảm” là kinh tế duy trì tăng trưởng chỉ dựa trên đầu tư nước ngoài (FDI), mất sức cạnh tranh của cả tư nhân và DN trong nước, tái cấu trúc còn dây dưa, chưa dứt khoát, chưa có kết quả…

Đồng tình, ĐB Trương Thị Ánh (TP HCM) đề cập đến vấn đề nợ công và cho rằng: “Quốc hội chưa có đánh giá, biểu quyết mức nào là an toàn nên chưa khẳng định được nợ công là an toàn”. Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH nhận thấy, cơ chế, chính sách được ban hành nhưng “DN vẫn thua trên sân nhà”, tái cấu trúc nền kinh tế vẫn chỉ là “hô hào khẩu hiệu”…

Dẫn ví dụ về tình trạng nhiều công trình xây dựng gần xong nhưng do có Nghị quyết 11 đã tạm dừng chứ không tiếp tục đầu tư để hoàn công, ĐB Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ vẫn “cứng nhắc, không linh hoạt dẫn tới lãng phí” cho thấy đầu tư công chưa đúng trọng tâm, trọng điểm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Hữu Quang (tỉnh Thanh Hóa) phản ánh, chi ngân sách cho xây dựng cơ bản là lớn nhưng sai phạm chủ yếu là ở lĩnh vực này mà việc xử lý kiến nghị của kiểm toán thấp cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Còn ĐB Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) cho thấy, tình trạng bố trí đầu tư dàn trải. Phân bổ vốn từ TƯ đến địa phương, địa phương phân bổ sai nguồn vốn nên vốn thiếu, công trình dở dang rất nhiều, nợ đọng lớn (theo Kiểm toán, 63 tỉnh nợ đến hơn 90.000 tỷ đồng), nợ thuế vẫn cao và phổ biến…

“Vực dậy” nền kinh tế: cần biện pháp đặc biệt

Tập trung vào giải pháp “vực dậy nền kinh tế”, nhiều ĐBQH tỏ ra không mấy kỳ vọng trước báo cáo của Chính phủ khi “đó chỉ là những con số tròn trịa, nhưng lại “vênh” với báo cáo của Bộ, ngành”. ĐB Lê Thanh Vân (TP.Hải Phòng) đánh giá, trong 8 nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra có những giải pháp không mới, đã đưa ra nhiều năm trước, “trong khi chúng ta cần những giải pháp cụ thể hơn có thể tác động đến nền kinh tế thì lại chưa có”. Còn ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng bức xúc vì thấy chỉ “loay hoay những giải pháp năm nào cũng thế, chưa có đột phá, lại thiếu phân tích về nguyên nhân và địa chỉ trách nhiệm cụ thể”.

Theo nhiều ĐBQH, Chính phủ cần phải có giải pháp thiết thực, cụ thể, quyết liệt hơn, chọn ra những giải pháp trực diện như “không nên lưu luyến kế hoạch 5 năm mà phải xây dựng chương trình đặc biệt 3 năm 2013-2015 để phục hồi kinh tế, lựa chọn một số lĩnh vực để xử lý, ưu tiên cho khu vực Nhà nước” (ĐB Trần Du Lịch), “phấn đấu giữ bội chi” (ĐB Lê Thanh Vân), “xử lý” chất lượng công chức để thực hiện cải cách tiền lương (ĐB tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc); đánh giá lại các quan hệ thương mại để Chính phủ có hướng điều hành trước mắt và lâu dài, tránh tình trạng lệ thuộc (ĐB TP.HCM Huỳnh Minh Thiện)…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phản ánh, hiện trong tổng số 500.000 DN có khoảng 280.000 DN thường xuyên hoạt động có nộp ngân sách nhưng vừa qua số DN này bắt đầu có biểu hiện thua lỗ, dừng sản xuất. DN khó khăn đầu tiên là vốn, hai là thị trường, ba là môi trường kinh doanh nhưng “không thể cứu tất cả DN,  mà phải cứu người nghèo bởi không phải cứ cứu doanh nghiệp thì thu được ngân sách”, ông Hiển nhấn mạnh.

Đặc biệt, giải pháp được nhiều ĐBQH kiến nghị mạnh mẽ là Chính phủ phải đánh giá thực chất những tồn tại, yếu kém trong điều hành nền kinh tế, làm rõ trách nhiệm của từng ngành và “Tư lệnh” ngành đó. ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) đã phải trăn trở nhiều khi thấy “dư luận có nhiều vấn đề nhưng qua báo cáo của Chính phủ thì thấy “bình yên quá” nên kiến nghị Chính phủ “thẳng thắn, cầu thị hơn trong việc đánh giá niềm tin của nhân dân với cách điều hành của Chính phủ”…

Đánh giá về các lĩnh vực xã hội, các ĐBQH cũng bày tỏ nhiều lo lắng. ĐB Phạm Ngọc Thạch (TP.Hà Nội) không yên tâm khi trong lĩnh vực giáo dục còn nhiều vấn đề bất cập. Lo ngại về chủ trương xã hội hóa giáo dục khiến “các trường thành lập ồ ạt nhưng không có qui hoạch”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) bức xúc khi trường công thừa giáo viên bởi “xu hướng đưa 20-30% học sinh ra ngoài công lập để “cứu” các trường này vì không tuyển sinh được”.

ĐB Phan Đình Trạc đặt vấn đề về chất lượng đào tạo và hiệu lực quản lý của ngành trước thực trạng học thêm “thanh tra đi kiểm tra suốt mà không xử lý được vì nể nhau, hơn nữa liên quan đến “túi tiền”.

Còn ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) phản ánh: “nếu cứ đọc báo cáo thấy “tích cực triển khai phát triển giáo dục” thì nghĩ rằng giáo dục không có vấn đề gì phải lo lắng, nhưng thực tế lại khác”….

Một số ý kiến của ĐBQH bày tỏ lo ngại trước tình trạng “bảo hiểm y tế ngân sách trung ương không hết, trong khi địa phương thì thiếu”, tình hình nông nghiệp gần đây khó khăn, tăng trưởng thấp, đầu vào lệ thuộc thị trường ngoài nước, ô nhiễm môi trường…

Hương Giang

Đọc thêm