Đại chiến diệt trừ 'đế quốc Mafia' và sự lột xác của Palermo

(PLO) -Trong mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thành phố đều có một thời kỳ  hoàng kim. Đối với Palermo (Italy). Một buổi chiều nóng nực của tháng 7/1992, hơn 1.500 binh sĩ với các loại vũ khí tự động đã chiếm lĩnh các góc phố rồi đồng loạt tổng tiến công…
Một góc “thủ đô mafia” Palermo đang thay da đổi thịt.
Một góc “thủ đô mafia” Palermo đang thay da đổi thịt.

Trước đó 6 ngày, một vụ nổ bom xe hơi đã sát hại Paolo Borsellino - Trưởng công tố điều tra hàng loạt các “bố già” của Cosa Nostra, tên gọi chính thức của nghiệp đoàn mafia Sicily - cùng 5 sĩ quan cảnh sát.

Vào tháng 5/1992, chiếc xe hơi chở Thẩm phán Giovanni Falcone – kẻ thù số 1 của các “bố già” mafia - cũng bị thổi bay, khoảng 300 ký thuốc nổ TNT đã giết hại Falcone cùng với bà xã và 3 sĩ quan cảnh sát hộ tống. Vụ nổ đã tạo ra một miệng hố có đường kính tới 15m ngay trên tuyến đường cao tốc kết nối giữa sân bay với thành phố Palermo.

Ám ảnh tội ác ở "thủ đô Mafia"

Thời điểm đó, ngay trên trang nhất của tờ báo hàng đầu nước Ý đã chạy dòng tít: “Palermo, một Beirut thứ hai”. Cuộc chiến chống mafia ở Ý đã trở nên vô cùng gay cấn. 

Trong mùa hè định mệnh của năm 1992, Leoluca Orlando – người từng sáng lập ra Đảng Trung tả La Rete – đang suy nghĩ về việc ra tranh cử chức Thị trưởng lần thứ hai. Còn Attilio Bolzoni, một nhà báo từng làm việc cho tờ báo nhà nước La Repubblica, từng có 25 năm sống ở Palermo, mô tả thành phố này giống như một chiến trường mafia.

Quang cảnh vụ đánh bom xe sát hại thẩm phán chống mafia Paulo Borsellino ở Palermo hồi năm 1992.
Quang cảnh vụ đánh bom xe sát hại thẩm phán chống mafia Paulo Borsellino ở Palermo hồi năm 1992. 

Nhà báo Bolzoni nhớ lại: “Tôi cảm thấy mình hành nghề như một phóng viên chiến trường ngay tại Palermo. Trước đó, tôi từng tác nghiệp ở Afghanistan, khu vực Ban-căng, Iraq, nhưng chưa nơi nào khiến tôi ghê sợ như việc đang làm ở Palermo trong suốt những năm tháng khốc liệt đó. Lúc nào tôi cũng dòm chừng sau lưng mình. Bọn mafia hiện diện khắp mọi nơi: trên đường phố, trong các cửa hiệu, ngay cả trong ngân hàng.

Có cảm giác giống như một dạng “giờ giới nghiêm”, không có quán cà phê nào mà quý vị có thể đặt bàn vào buổi tối. Mỗi lần điện thoại tại bàn làm việc tôi réo vang là bất giác mình mẩy tôi túa mồ hôi với cảm giác lo sợ ai đó bị sát hại, một nhà báo, cảnh sát hay quan tòa”. 

Những cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 11/1993, và ông Leoluca Orlando – người từng ủng hộ chống mafia và sống bằng sự hộ tống của cảnh sát – đã chiến thắng với 75% số phiếu bầu. Thị trưởng Orlando vui vẻ kể: “Ngày hôm nay, Palermo là thủ đô văn hóa. Nhưng trong quá khứ, nó là thủ đô của mafia. Palermo được cai trị bởi các “bố già”, và bất kỳ ai chĩa vào chúng sẽ bị cô lập hay tệ hơn là bị giết chết”. 

Khi quân đội tuần tra Palermo, các cư dân của thành phố này, những người liên tục chứng kiến những vụ nổ bom và giết chóc, đã đổ ra phố đông đến hàng ngàn người, kêu gọi sự ủng hộ các thẩm phán và phản kháng chống mafia. Những cuộc tuần hành và các biểu ngữ dường như không làm Cosa Nostra lo lắng.

Thị trưởng Orlando nhớ lại: “Trước hết, chúng tôi cần phải hạ bệ các “bố già”. Nhiều kẻ tiếp tục sống an vị, phè phỡn trong các dinh thự xa hoa ngay tại nội thành Palermo, lập kế hoạch thủ tiêu nạn nhân, đồng thời đút hàng núi tiền từ các thương vụ buôn lậu ma túy”. Những bộ luật đặc biệt đã được thông qua nhằm chống lại “các bố già” mafia và lâu la của chúng bao gồm những nhân viên công chức nhà nước làm việc bí mật cho mafia.

Những điều kiện trừng phạt và tù ngục ngày càng trở nên khe khắt hơn nhằm khuyến khích những “tay anh chị số má” trở thành người chỉ điểm cho cảnh sát để được giảm án tù, tạo điều kiện cho những vụ bắt giữ  lớn hơn. 

Thị trưởng Leoluca Orlando làm việc ở Palermo suốt 17 năm.
Thị trưởng Leoluca Orlando làm việc ở Palermo suốt 17 năm.  

“Bố già” Salvatore “Totò” Riina, người đứng đầu mafia Sicily, là đối tượng lớn nhất cần phải triệt hạ. 15 năm tuổi, tự biến thành tướng cướp khét tiếng, bàn tay hắn đã vấy máu trên nhiều tuyến phố ở Palermo, và kể từ năm 1967, Riina lọt vào danh sách truy nã của cảnh sát khắp Âu châu. Tuy nhiên, hồi tháng Giêng năm 1993, Riina đã bị bắt giữ.

Theo báo cáo của chính phủ, thì hơn 4.000 tên mafia đã bị bắt giữ tại Sicily kể từ thập niên 1990. Giờ đây, mafia Sicily đã thoái trào, trả lại hơi thở tươi mát cho thành phố Palermo, nhưng phải còn rất lâu nữa thành phố này mới khôi phục diện mạo buổi đầu: Những vết thương in hằn do bọn mafia gây ra vẫn có thể nhìn thấy ở hầu hết các kiến trúc tại Palermo.

Hàng trăm tòa nhà chung cư cũ, xám xịt và hoang vắng nằm ở vùng ngoại ô là kết quả cho một chiến dịch xây dựng lớn nhất trong lịch sử Ý khi những quan chức nhà nước thoái hóa, làm “tay trong” với mafia đã phá hủy nhiều dinh thự nghệ thuật để biến chúng thành những tòa tháp hung bạo…

Ông Maurizio Carta, giáo sư (GS) về quy hoạch, công tác tại Đại học Palermo và là một trong những tổ chức đứng đằng sau việc trùng tu đô thị này, chua chát nhìn nhận: “Mafia đã làm biến dạng vẻ đẹp mỹ miều của Palermo bởi hàng tấn bê tông mà không thèm đếm xỉa tới các di sản nghệ thuật hay lịch sử. Họ hủy hoại những ngôi biệt thự lộng lẫy có từ thế kỷ 19 và để lại những đống đổ nát ngày chơ vơ bên bờ biển”.

“Bố già” mafia Salvatore “Toto” Riina ra tòa năm 1993.
“Bố già” mafia Salvatore “Toto” Riina ra tòa năm 1993. 

…Đến thành phố văn hóa

Nhiều người nghĩ Palermo khó có cơ hội quét sạch bóng tội phạm, nhưng cuối cùng đã đảo ngược khủng hoảng, trở thành một thành phố nổi tiếng hơn hết thảy các thành phố khác của miền Địa Trung Hải. 

Cuộc chiến mafia đã bắt đầu vào hồi đầu thập niên 1990, để đến tháng 2/2017 vừa qua, Thị trưởng Leoluca Orlando trở thành tâm điểm của báo chí với thông tin xoay quanh việc Palermo được chỉ định là thủ đô văn hóa Ý vào năm 2018. Trước đó, tháng 7/2016, UNESCO cho biết, vùng trung tâm lịch sử của thành phố Palermo sẽ trở thành Di sản văn hóa thế giới, và đến năm 2017, Palermo sẽ tổ chức Manifesta: triển lãm nghệ thuật đương đại quan trọng bậc nhất Châu Âu.

Thị trưởng Palermo-Leoluca Orlando tự hào giới thiệu với các nhà báo về nơi làm việc của mình: “Qúy vị thích cái bàn làm việc này chứ? Và những cái ghế mỹ thuật này nữa? Trước khi tôi trở thành Thị trưởng, đằng sau cái bàn hay cái ghế này, là những người bạn mafia”. Ở tuổi 69, ông Leoluca Orlando đang là một trong những Thị trưởng nổi tiếng nhất nước Ý, có bằng Tiến sĩ luật, nói lưu loát 5 thứ tiếng và có kinh nghiệm điều hành Palermo suốt trong 17 năm. Palermo thay đổi như ngày hôm nay, công đầu phải kể đến Orlando.

Hội đồng thành phố đã cấp ngân sách nhằm khởi động các dự án trùng tu. Trong vòng 25 năm qua, hơn 60% các tòa nhà lịch sử của Palermo đã sống dậy. Một phần hàng hóa và bất động sản được tịch thu từ các “bố già” mafia Sicily với tổng trị giá lên tới 30 tỷ Euro (25 tỷ bảng Anh) đã được tái đầu tư vào môi trường và các không gian văn hóa ở Palermo.

Tại Capaci, ngoại ô Palermo, nơi thẩm phán Falcone bị sát hại, những tài sản bất minh của mafia được dùng để biến thành sân chơi của trẻ em khuyết tật. Bị tịch thu từ tài sản của mafia hồi năm 1993, tòa dinh thự Giardino della Memoria giờ đã biến thành một công viên lâu đài với nhiều cây ăn quả và một đài kỷ niệm cho những ai đã bị mafia Cosa Nostra sát hại. 

GS Carta nhấn mạnh: “Kiểu cải tạo đô thị này cũng đem lại giá trị xã hội cho một vùng đất. Ở những thành phố từng có vết nhơ tội ác, thì những khu vực hoang phế lại trở thành “lãnh địa” cho các hoạt động tội phạm, và là nơi ươm mầm mống cho mafia trỗi dậy. Để chấm dứt việc đó, chúng tôi phải dọn sạch chúng và tạo ra các cộng đồng dân cư mới”.

Một con phố cửa hàng sầm uất ở khu phố cũ Palermo.
Một con phố cửa hàng sầm uất ở khu phố cũ Palermo.  

La Cala là một biểu tượng tái sinh ở Palermo, với hàng trăm du thuyền neo đậu ở bến cảng, vô số quán cà phê sầm uất quanh bến cảng cổ xưa, đông đảo du khách và dân địa phương giờ đây đã dường như quên đi quá khứ đen tối của hải cảng mafia một thời. Palermo cũng “xanh” hơn với các hệ thống xe điện và metro được lắp đặt và kết nối với trung tâm của thành phố.

Cảnh tượng này là quá đỗi bình thường ở Amsterdam, Zurich hay Oslo, nhưng lại là một kỳ tích cho Palermo khi trước năm 1998, nơi này ngập ngụa sự bành trướng của mafia. Những “bố già” quyền lực nhất đã bị bắt giam, và sau tất cả, Thị trưởng Leuluca Orlando nhấn mạnh: “Mỗi ngày Palermo dường như lột xác để trở thành nơi đáng sống nhất”…

Đọc thêm