“Dài cổ” chờ giám đốc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

Bảo hiểm hàng hóa từ lâu đã thành thông lệ trong giao thương quốc tế. Thế nhưng, không ít vụ việc tranh chấp đã xảy ra mà khi không được xét xử công bằng, khách quan sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm. Tranh chấp giữa DN Dabaco và Pjico là một vụ việc điển hình…

[links()] Bảo hiểm hàng hóa từ lâu đã thành thông lệ trong giao thương quốc tế. Thế nhưng, không ít vụ việc tranh chấp đã xảy ra mà khi không được xét xử công bằng, khách quan sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm. Tranh chấp giữa DN Dabaco và Pjico là một vụ việc điển hình…

Ngày 15/11/2010, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã bác kháng cáo của  Pjico. Trong ảnh: Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Huy Chương đang tuyên  án. Bản án này bị VKSNDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm
Ngày 15/11/2010, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã bác kháng cáo của Pjico. Trong ảnh: Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Huy Chương đang tuyên án. Bản án này bị VKSNDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm
Từ chuyện 6.500 tấn cám gạo…
Ngày 25/5/2009 và ngày 22/6/2009, Cty CP Dabaco Việt Nam (viết tắt là Cty Dabaco) tham gia bảo hiểm hàng hóa của Cty CP bảo hiểm Petrolimex (Pjico), theo đó Pjico nhận bảo hiểm 6.500 tấn cám gạo chở từ Ấn Độ về bằng tầu Bulk Energy với giá trị hàng hóa là 1,046 triệu USD, tổng số tiền bảo hiểm là 1,157 triệu USD, phí bảo hiểm là 6.366 USD. Hàng hóa được bảo hiểm chở trên tầu Bulk Energy dự kiến rời cảng Kakinada (Ấn Độ) ngày 8/6/2009 và cập cảng Hải Phòng ngày 27/6/2009.
Đến 24/6/2009, Dabaco nhận được thông báo của Cty TNHH vận tải môi giới thuê tàu biển Đông Á Sài Gòn cho biết, dự kiến tàu đến trạm hoa tiêu Hải Phòng ngày 2/7/2009. Ngày 7/7/2009, Dabaco nhận được công văn từ Chi nhánh Cty Đông Á Sài Gòn tại Hải Phòng thông báo không liên lạc được với tàu  Bulk Energy. 
Sau khi việc tìm kiếm không có kết quả, ngày 15/9/2009, Dabaco giao cho Pjico các chứng từ liên quan để yêu cầu bảo hiểm nhưng Pjico không nhất trí bồi thường.
…đến hai bản án thiếu căn cứ
Ngày 17/3/2010, Dabaco khởi kiện ra TAND TP Hải Phòng yêu cầu Pjico phải hoàn trả số tiền bảo hiểm 1,157 triệu USD. Bản án sơ thẩm số 17/2010/KDTM-ST ngày 25/6/2010 của TAND TP Hải Phòng tuyên: “Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Dabaco, buộc Pjico phải trả tiền bào hiểm là 1,192 triệu USD; Dabaco phải chuyển trả cho Pjico toàn bộ chứng từ gốc của lô hàng 6.500 tấn cám gạo.”
Phía Pjico kháng cáo nhưng bản án phúc thẩm số 179/2010/KDTM-PT ngày 15/11/2010 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội cũng bác kháng cáo, buộc Pjico phải trả tiền bảo hiểm như án sơ thẩm đã tuyên.
Tuy nhiên, ngày 28/3/2011, VKSNDTC ra Quyết định số 06/QĐ/KNGĐT-V12, kháng nghị bản án phúc thẩm số 179/2010/KDTM-PT ngày 15/11/2010. Theo VKSNDTC, Tòa án hai cấp sơ và phúc thẩm đã áp dụng căn cứ pháp luật không đúng khi dựa vào quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 91/1997/NĐ-CP về quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên tàu chở hàng (đã hết hiệu lực từ năm 2006, được thay thế bằng Nghị định 49/2006/NĐ-CP và sau đó lại được thay bằng Nghị định 29/2009/NĐ-CP) làm căn cứ để cho rằng tầu Bulk Energy được coi là mất tích, sự kiện bảo hiểm đã phát sinh để buộc Pjico phải trả tiền bảo hiểm là vi phạm Điều 283- Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Việc tàu Bulk Energy có bị mất tích hay không có ý nghĩa rất quan trọng để xác định nghĩa vụ bồi thường. Trong trường hợp này, theo VKSNDTC, phải căn cứ vào Điều 23 Quy tắc chung về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển Pjico 2008 đã được hai bên thỏa thuận khi ký kết hợp đồng bảo hiểm hàng hóa. 
Hơn nữa, theo VKSNDTC, ngay chính chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ cũng cho thấy, Tòa án hai cấp nhận định tầu Bulk Energy không cập đến bến Hải Phòng, cũng không có bất cứ tin tức gì từ tầu để xác định tầu đã mất tích là không đúng.
Theo Công văn số 134/CV-DBCVN ngày 22/7/2009 của Dabaco gửi Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Interpol Việt Nam nêu rõ: “ Ngày 2/7/2009, các chủ hàng trên tầu đã nhận được thông báo sẵn sàng xếp dỡ do thuyền trưởng tầu Bulk Energy ký gửi, thông báo tầu đã ở phao số 0 tại cảng Hải Phòng và sẵn sàng vào cảng để dỡ hàng. 
Tuy nhiên ngày 7/7/2009, đại lý tầu Bulk Energy thông báo cho các chủ hàng không thể liên lạc được với tàu cho dù đã dùng tất cả các phương tiện liên lạc khác nhau. Sau đó, chúng tôi được biết do mâu thuẫn giữa chủ tầu và người môi giới thuê tầu nên thuyền trưởng đã không cho tầu vào cảng Hải Phòng dỡ hàng theo đúng lịch trình mà lại cho tàu tới cảng Phòng Thành (Trung Quốc) và dỡ hàng tại đây.”
Theo báo cáo trung gian thu giữ hàng hóa trên tầu Bulk Energy của Cục Hàng hải quốc tế (IBM): Từ ngày 1 đến 3/8/2009, tầu Bulk Energy ghé qua cảng Phòng Thành để chữa bệnh cho kỹ sư và không dỡ hàng, IBM vẫn liên lạc với thuyền trưởng; ngày 25/8/2009, 22 thủy thủ rời tầu tại Singapore, số thủy thủ còn lại rời tầu tại Indonesia; Cục An ninh của cơ quan hàng hải Panama đã tìm thấy tầu đang nằm ngoài hải phận Jakarta ngày 30/11/2009.
Còn công văn số 555/VP.Interpol.P2 ngày 22/3/2010 của Tổng cục Phòng chống tội phạm xác nhận, theo thông tin trao đổi với cảnh sát Malaisia, tầu Bulk Energy được xác định ở vị trí 2.4 Nautical cảng Jakarta sau đó đến cảng Salaah-Oman, trên tàu có 20 thủy thủ Ấn Độ cùng 11.600 tấn cám gạo.
Trước rất nhiều tài liệu xác định thông tin, tin tức về vị trí con tầu và hàng hóa trên tầu, VKSNDTC cho rằng chưa có căn cứ khẳng  định tầu Bulk Energy mất tích; do đó, chưa xác định được là có sự kiện bảo hiểm xảy ra nên cũng chưa thể đặt rra trách nhiệm bồi thường bảo hiểm.
Ký Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm khẳng định, “nhiều tài liệu về việc cầm giữ hàng hóa của tầu, về tài chính của tầu thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm nhưng chưa được Tòa án hai cấp xác minh, đánh giá, xem xét toàn diện nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. VKSNDTC kháng nghị và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ và phúc thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo quy định của pháp luật.
Dù đã rất rõ ràng, vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm đã bị kháng nghị từ tháng 3/2011 nhưng đến nay đã tròn 1 năm  vẫn chưa được đưa ra xét xử. Tại sao, câu hỏi này xin chuyển đến TANDTC xem xét và trả lời công luận. 
Nhóm PV

Đọc thêm